Biến ốc đảo thành nơi làm giàu
Chàng trai trẻ Lang Văn Mão (27 tuổi), rời nhà ra lập nghiệp giữa “ốc đảo” hoang nằm lọt thỏm trong mênh mông nước của lòng hồ thủy điện Hủa Na, huyện Quế Phong (Nghệ An). Sau bao công sức, những gì anh làm đã được ghi nhận khi năm 2017, Mão là 1 trong 29 thanh niên tiêu biểu với mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi được Tỉnh Đoàn Nghệ An tôn vinh.
Mão kể, năm 2012, thủy điện chuẩn bị tích nước, gia đình Mão và hơn 1.300 gia đình khác phải di dời nhà cửa, bỏ lại ruộng nương đến các khu tái định cư. Đến nơi ở mới, phải xa rừng, vốn gắn bó như máu thịt với những người dân nơi đây nên ai cũng buồn, hụt hẫng, cuộc sống khó khăn.
Trong cuộc sống mới khó khăn, Mão có ý định vào Nam làm công nhân. Quãng thời gian này, Mão quay lại rừng chặt lùng mang về bán. Mỗi lần đưa lùng vượt hồ, Mão phát hiện nước càng dâng lên cao thì cá tôm trong lòng hồ phát triển càng nhiều. Thế là anh mua lưới đánh bắt cá. Mão tâm sự: “Lúc đó, mỗi ngày có khi em đánh được cả yến cá, thu nhập cao hơn rất nhiều so với đi chặt lùng. Rồi một lần đi gỡ cá, nhìn lên khoảng rừng mà em hay đi lấy lùng, phát hiện ra một khoảng trống. Em nghĩ, nếu cứ chặt mãi thì đằng nào rừng cũng mất. Từ lúc ấy trong em bỏ hẳn ý định đi làm ăn xa, phải quay lại sống cùng rừng”.
Thế là năm 2013, sau khi đi khảo sát khắp lòng hồ, Mão tìm được một “ốc đảo”. Đây chính là một quả đồi hoang giữa lòng hồ. Được chính quyền cho phép, anh quyết định ra đây sinh cơ lập nghiệp. Mão sắm 1 chiếc thuyền máy làm phương tiện đi lại giữa bờ và “ốc đảo”. Thời gian đầu, do chưa bao giờ sống ở đảo này nên không lường trước được nhiều khó khăn sẽ đến. Mùa lũ đầu tiên, nước hồ dâng cao khiến căn nhà sàn ngập sâu gần 1m suốt cả tháng trời. Lợn, gà phải di dời sang đảo bên cạnh. Rất may còn mặt sàn nhà để sinh hoạt. Không nản chí, anh vay vốn mua lưới đánh cá và làm lồng bè nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, leo, trắm...
Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm gà, vịt, lợn. Năm 2014, xã Đồng Văn giao cho Mão quản lý, bảo vệ khu vực rừng gần đảo anh sống. Ngoài chăm sóc, anh được phép khai thác để bán. Lùng có giá trị kinh tế khá cao, được các doanh nghiệp mua. Mỗi năm, ngoài chăn nuôi, riêng việc khai thác cây lùng trong khu vực rừng Mão nhận bảo vệ cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Sau 5 năm biến “ốc đảo” thành nơi làm giàu, anh đã được gặt hái được nhiều thành quả. Mão được Tỉnh Đoàn Nghệ An tôn vinh là 1 trong 29 thanh niên tiêu biểu với mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Theo ông Lương Thái Quý- Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, mô hình của anh Mão lợi đôi đường, vừa bảo vệ được rừng, vừa phát triển được kinh tế cho thanh niên.