TIN THỦY SẢN

Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.000 tấn/năm

Phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Tép Bạc NTN

Phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đó là Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh Bình Định vừa mới ban hành.

Theo Kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.300 ha, thể tích lồng nuôi 95.000m3. Tổng sản lượng  nuôi trồng thủy sản đạt 20.000 tấn/năm; Chủ động sản xuất, cung ứng 100% con giống các loại thủy sản có khối lượng hàng hóa lớn (tôm thẻ chân trắng, cá rô phi) và 30% các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; Đầu tư, hoàn thiện hạng mục nhà máy chế biến tôm, nhà máy sản xuất thức ăn tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định đạt 20% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản (đối với đối tượng nuôi chủ lực).

Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.300 ha, thể tích lồng nuôi 160.000 m3. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.000 tấn/năm; Chủ động sản xuất, cung ứng 100% con giống các loại thủy sản có khối lượng hàng hóa lớn (tôm thẻ chân trắng, cá rô phi) và 50% các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; Đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và đưa vào vận hành sản xuất, hình thành chuỗi liên kết trong cung ứng con giống, thức ăn, sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm thương phẩm cho cả khu vực tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định đạt 40% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản (đối với đối tượng nuôi chủ lực).

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản Bình Định đạt 4.300 ha. Ảnh: NTN

Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đề ra, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch với các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án của các sở, ngành và địa phương có liên quan theo quy định về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định hiện hành.

Đồng thời, vận dụng các chính sách của Trung ương, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh; rà soát, áp dụng các văn bản, quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý hiệu quả hoạt động nuôi trồng thủy sản, phù hợp với thực tiễn. Trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể sau:

- Phát triển sản xuất giống thủy sản: Nâng cao năng lực sản xuất giống thủy sản, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học, các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; Phát triển sản xuất giống thủy sản theo nhóm loài; Kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng giống từ nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên;

- Phát triển nuôi trồng thủy sản chuyển từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; hiện đại hóa công tác quản lý nghề nuôi biển; 

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất: Tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; Rà soát, hoàn thiện hệ thống đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành thủy sản; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm về công nghệ mới, phương pháp tổ chức sản xuất, thị trường, quy định pháp luật có liên quan cho các lực lượng lao động tham gia chuỗi sản xuất thủy sản;

- Phát triển các mô hình hợp tác và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Phát triển, mở rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ đồng quản lý, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Thực hiện truy xuất nguồn gốc, triển khai chương trình truyền thông, hỗ  trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm thủy sản có tính đặc trưng của tỉnh phục vụ việc phát triển thương hiệu;

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản: Sản xuất nhân tạo các giống thủy sản mới, có tiềm năng phát triển; giống có khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, sạch bệnh; Phát triển công nghệ nuôi phù hợp, thân thiện môi trường, thu gom, xử lý chất thải, nước thải từ nuôi trồng thủy sản, phụ phẩm từ nuôi trồng, tiết kiệm nước, nhiên liệu, nguyên liệu; hạn chế dùng thuốc, hóa chất có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, an toàn thực phẩm; Áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; Đẩy mạnh chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ tự động hóa ở các khâu liên quan đến kỹ thuật sản xuất, quan trắc, cảnh báo môi trường, truy xuất nguồn gốc.

NTN