Bình Định đẩy mạnh nuôi tôm công nghệ cao
Con tôm là thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Bình Định. Tuy nhiên, nuôi tôm theo phương pháp truyền thống đang đối mặt với dịch bệnh, gây nhiều tổn thất cho người nuôi.
Để phát triển NTTS theo hướng bền vững, tỉnh Bình Định đang ưu tiên đẩy mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC)...
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong lộ trình tái cơ cấu ngành thủy sản, Bình Định sẽ tập trung phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC. Theo đó, sẽ ưu tiên các dự án đầu tư nuôi tôm trong vùng quy hoạch. “Đến nay đã triển khai các dự án nuôi tôm CNC của Cty CP Thủy sản Việt Úc Bình Định, Cty TNHH Thành Ly, Cty TNHH Thành Hiệp, Cty TNHH Thạnh Vân, Cty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Xanh, Cty TNHH Nam Việt - Bình Định…”, ông Hổ cho biết.
Từ năm 2013, Cty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Xanh (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã đầu tư xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm CNC tại thôn Tân Thắng thuộc xã Cát Hải (huyện Phù Cát). Khu nuôi tôm rộng 9ha của công ty này được bao bọc bởi tường rào kiên cố, có gắn hệ thống camera giám sát. Ra vào cổng, cả người và phương tiện đều phải được tiêu độc, khử trùng. Nhà điều hành nằm cách cổng ra vào khu vực nuôi tôm khoảng 100m được trang bị máy móc hiện đại phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát toàn bộ khu vực nuôi tôm.
Hồ nuôi tôm ở đây cũng có sự khác biệt lớn so với các ao nuôi tôm trên cát hay nuôi tôm bán thâm canh tại các vùng nuôi tôm khác ở Bình Định. Ở đây có 7 hồ tôm, trong đó có 1 hồ chuyên chứa nước, mỗi hồ rộng 2.600m2, sâu từ 2 - 2,6m đều nằm trong nhà kín. Hồ tôm xây dựng bằng bê tông xi măng và được phủ 1 lớp bạt bằng cao phân tử. Mỗi hồ được trang bị 4 máy sục khí và hệ thống máy làm lạnh hoạt động liên tục, nhằm đảm bảo nước l nhiệt độ nước luôn ổn định ở 28 độ C. Các tầng nước trong hồ đều cùng 1 nhiệt độ. Các trang thiết bị nói trên có thể di chuyển đến vị trí thích hợp hoặc nâng cao, hạ thấp thấp tùy thuộc vào người điều khiển.
“Trước khi thả tôm giống khoảng hơn một tháng, chúng tôi cho nước biển vào hồ để xử lý và bổ sung vi sinh vật có lợi vào nước. Song song, chúng tôi tiến hành nuôi vi sinh vật, đảm bảo được mật độ thích hợp. Đến khi tất cả đều ổn chúng tôi mới thả tôm vào nuôi”, ông Nguyễn Đức Huy, GĐ Cty TNHH Nuôi trồng chế biến thủy sản Xanh, cho hay.
Tiếp đến, trong năm 2015, Tập đoàn Việt Úc đã xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 150ha mặt nước nuôi tôm, thả nuôi 2 vụ/năm, mật độ tôm thả nuôi từ 200 - 500 con tôm giống/m2, năng suất từ 120 - 300 tấn/ha/năm với quy tình khép kín.
Quy trình nuôi tôm CNC được thực hiện rất nghiêm ngặt
Ông Lương Thanh Vân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Việt Úc chia sẻ, tôm nuôi siêu thâm canh trong nhà kính được áp dụng công nghệ rất độc đáo, mang lại cho người nuôi nhiều lợi ích, đặc biệt là an toàn sinh học, khống chế được dịch bệnh lây lan. Công nghệ tiên tiến này quản lý môi trường rất tốt, thời tiết bên ngoài không thể ảnh hưởng đến khu nuôi. Với phương thức nuôi tôm siêu thâm canh có thể thả giống mật độ dày.
Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc Cty CP Việt Úc Bình Định cho biết, giai đoạn 1 công ty ứng dụng CNC vào sản xuất tôm giống đã mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm cung ứng khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng cho người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.
“Công ty chọn lọc những con tôm giống bố mẹ tốt nhất, đồng thời đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm cho tôm như tảo và các thức ăn tổng hợp khác. Đặc biệt, công ty đã đầu tư công nghệ làm men vi sinh thay thế hoàn toàn chất kháng sinh để sản xuất con giống, nên tôm nguyên liệu sau thu hoạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khi xuất khẩu người nuôi không ngại các rào cản kỹ thuật”, ông Hưng nói chắc.
Bước sang năm 2016, Bình Định tiếp tục cho Cty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Thạnh Vân đầu tư Dự án Khu nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm ứng dụng công nghệ Biofloc tại xã Cát Khánh (huyện Phù Cát). Khu nuôi tôm thẻ chân trắng này được xây dựng trên diện tích khoảng 20ha, nằm trong quy hoạch Khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng CNC đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng vốn đầu tư gần 95 tỷ đồng gồm 42 ao tôm, 3 khu xử lý nước, 2 ao lắng và xử lý bùn, nhà điều hành và kho bãi. Khu nuôi tôm dự kiến chính thức hoạt động trong quý 3/2018 với sản lượng 1.575 tấn tôm thẻ chân trắng/năm.
Bình Định hiện có 4.300ha diện tích NTTS; trong đó có 2.300ha nuôi nước lợ, chủ yếu là nuôi tôm. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 9.600 tấn thủy sản; trong đó có khoảng hơn 6.600 tấn tôm.
“Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của tỉnh Bình Định đến năm 2020, vùng nuôi tôm ứng dụng CNC là 680ha; trong đó, 460ha ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), 220ha ở xã Cát Thành và Cát Hải (huyện Phù Cát), với sản lượng tôm đạt khoảng 11.000 tấn. Đây là đòn bẩy để ngành nuôi tôm ứng dụng CNC của Bình Định phát triển; đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.