Bình Định khắc phục tôm chết hàng loạt
Năm nay, người nuôi tôm ở Bình Định thả nuôi hết hầu hết diện tích theo kế hoạch. Tuy nhiên, do thời tiết quá khắc nghiệt làm tôm bùng phát dịch bệnh.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay nông dân các địa phương trong tỉnh đã đưa vào sử dụng trên 1.838ha mặt nước để nuôi tôm, chiếm 84,5% diện tích mặt nước hiện có, tương đương cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, do thời tiết nắng hạn kéo dài, nguồn nước ngọt bị thiếu hụt, làm cho độ mặn trong ao nuôi tôm tăng cao, khiến cho tôm nuôi bị sốc, sức đề kháng yếu. Trong khi đó, môi trường nước đã bị ô nhiễm nặng, vi rút gây hại tôm nuôi phát triển, nhất là virus đốm trắng.
Địa phương có nhiều diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh nhất là Tuy Phước, huyện trọng điểm nuôi tôm với 971ha, trong đó có 100ha nuôi thâm canh và bán thâm canh, số còn lại nuôi thâm anh cải tiến xen tôm với cua, cá tập trung tại các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Thuận.
Mới bước vào vụ nuôi đầu năm, lũ tôm đã phải hứng chịu những khắc nghiệt của thời tiết, dịch bệnh bùng phát sớm hơn năm, tôm chết hàng loạt. Theo ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, xã này có tổng diện tích mặt nước nuôi tôm là 274ha, tập trung ở thôn Vinh Quang 2 với 249ha, thôn Dương Thiện 20ha, thôn Lộc Thượng 5ha.
Thời điểm mới xuống giống gặp phải nhiều đợt không khí lạnh, tiếp đến nắng nóng kéo dài, thêm vào đó mùa mưa năm trước không có lũ lụt nên chất thải trong ao nuôi không được rửa trôi nên dịch bệnh phát sinh trên con tôm sớm hơn năm ngoái.
“Tôm mới 35 - 45 ngày tuổi đã chết trắng hồ vì bệnh thân đỏ đốm trắng. Tôm mới lớn bằng đầu đũa, bán chỉ được 50.000 - 60.000 đ/kg nhưng bà con phải thu hoạch sớm để đỡ lỗ vốn”, ông Thiện cho hay.
Ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) tình trạng tôm chết còn thê thảm hơn. Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch xã Phước Hòa cho biết, vụ 1 năm nay xã Phước Hòa đã thả nuôi toàn diện tích 327ha, riêng 2 thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam chiếm đến 312ha.
“Vụ nuôi đầu năm nay do nắng nóng gay gắt làm độ mặn trong nước tăng cao bất thường, nên hiện nay đã có trên 50% trong tổng diện tích 327ha tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công. Tôm mới thả nuôi 10 - 15 ngày là đã bắt đầu chết, nhiều diện tích tôm đã nuôi được 1 tháng rưỡi cũng chết, tôm chết từ từ đến cạn hồ. Số nào không chết thì do nước nóng quá cũng không lớn nổi”, ông Nhâm cho biết.
Ông Phạm Quang Ân, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước tâm tư: “Những người nuôi tôm trên địa bàn huyện chỉ còn một lối thoát duy nhất là hạ tầng vùng nuôi phải được xây dựng bài bản thì mới tránh được dịch bệnh. Bởi nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm, hạ tầng vùng nuôi thì chưa có gì, mạnh ai nấy xả thải ra môi trường nên nguồn nước nuôi bị ô nhiễm thêm”.
Hiện toàn tỉnh có 32,37ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh. Trong đó có trên 19ha bị bệnh đốm trắng; 11,61ha bệnh do môi trường và 1,68ha bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Sở NN-PTNT Bình Định đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương khoanh vùng nuôi tôm bị dịch bệnh, hỗ trợ người dân xử lý những ao tôm bị dịch bệnh để tránh lây lan diện rộng.