TIN THỦY SẢN

Bình Định nhiều hộ dân khởi nghiệp thành công nhờ nuôi ốc bươu đen

Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Long được nhiều hộ dân tham quan học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: NVCC NTN

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ đã mạnh dạn đưa một số giống thủy sản mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hiệu quả kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Ốc bươu đen dễ nuôi, có thể tận dụng thức ăn là bèo trong tự nhiên và các loại rau, củ, quả như mướp, mít, dưa leo, bầu, bí... Tuy nhiên, ốc bươu đen chịu nóng kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào hồ, làm mát bằng che màng lưới. Trung bình ốc nuôi từ lúc nở đến khi thu hoạch cần khoảng 4 - 5 tháng.

Tại huyện Phù Cát, sau thời gian tìm tòi, học hỏi, anh Võ Đình Sang (thôn Tân Hóa Bắc, xã Cát Hanh) nhận thấy việc nuôi ốc bươu đen không quá phức tạp mà sản phẩm lại được thị trường tiêu thụ mạnh với giá khá cao, nên đã mạnh dạn đầu tư vốn để cải tạo hơn 0,5 ha đất nông nghiệp của gia đình để nuôi. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ốc nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo anh Sang, nuôi ốc bươu đen ít tốn công, không nặng chi phí cho khâu chăm sóc mà chỉ đầu tư ban đầu khi đào ao và mua con giống. Hiện tại, với 16 ao nuôi diện tích từ 60 – 150 m2, mỗi tháng anh thu hoạch khoảng 150 kg ốc thương phẩm, 5.000 - 13.000 ốc con giống, mang lại  thu nhập từ 17 - 20 triệu đồng.

Anh Trần Ngọc Long, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, chia sẽ: sau một lần nghe giới thiệu về lợi ích kinh tế từ mô hình nuôi ốc bươu đen, anh đã mạnh dạn mua giống về nuôi thử. Kết quả cho thấy, loại ốc này khá thích hợp với điều kiện nguồn nước, khí hậu tại địa phương, đầu ra ổn định nên đã tiến hành xây dựng hồ nuôi, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, anh đã có 500 m2 mặt nước nuôi ốc bươu đen, mỗi tháng trung bình xuất bán ra thị trường khoảng 300 kg ốc thương phẩm. Ngoài bán, anh còn tiến hành cho ấp trứng, bán ốc con cho các hộ nuôi xung quanh. 

Hiện nay, thị trường tiêu thụ ốc thịt thương phẩm và ốc giống của anh Long đều ổn định, sản phẩm làm ra tới đâu được tiêu thụ hết tới đó. Với giá bán 100 nghìn đồng/1 kg như hiện nay, mỗi tháng anh Long lãi hơn 30 triệu đồng. Hiện anh Long cũng liên kết, cung cấp con giống, thu mua ốc thương phẩm, tư vấn kỹ thuật cho nhiều người muốn phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen tại địa phương

Với mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm kết hợp ốc giống trong bể lót bạt, mỗi tháng anh Võ Hổ (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) thu lãi hơn 10 triệu đồng. Hiện anh có 8 bể nuôi ốc với diện tích trung bình mỗi bể khoảng 10 m2.

    Nuôi ốc bươu đen trong bể lót bạc phù hợp với điều kiện của gia đình anh Hổ. Ảnh: Gia Bảo

Anh Hổ chia sẻ: nuôi ốc ở bể lót bạt thì khâu xử lý nước rất quan trọng, quyết định đến kết quả của cả quá trình nuôi ốc. Nước phải được xử lý sao cho giống với nước ao, nước suối tự nhiên. Việc lót bạt giúp nhiệt độ môi trường nuôi ổn định hơn. Ốc bươu đen dễ chăm sóc, nhẹ công, vừa nuôi vừa làm được công việc khác. Thức ăn của ốc lại rất dễ tìm, có sẵn ở địa phương như: Các loại bèo, rau củ quả, lá môn, lá bí, lá mì, lá đu đủ... 

Hiện nay, lượng ốc anh cung cấp ra thị trường ổn định, trung bình mỗi tháng xuất đi khoảng 100 kg ốc thương phẩm với giá bán từ 100 - 120 nghìn đồng/kg và 50.000 con ốc giống với giá 350 đồng/con. Cùng với khách hàng trong tỉnh, anh Hổ còn tìm được nhiều bạn hàng mới ở Quảng Ngãi, Kon Tum. Không chỉ có vậy, từ đầu năm 2022, anh còn liên kết với một số hộ ở xã Mỹ An cùng nuôi ốc bươu đen trong bể xi măng và ao tự nhiên. Cách làm hai bên cùng có lợi này được nhiều người ủng hộ và ngày càng có thêm nhiều người đặt vấn đề liên kết với anh.

Ốc bươu đen được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, không tốn nhiều chi phí đầu tư, vì vậy đây là hướng đi mới cho nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trong tỉnh để tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

NTN