Bình Định: Nông dân tâm huyết với nghề nuôi tôm công nghệ cao
Nhờ nắm bắt được thông tin về công nghệ mới trong nuôi tôm, ông Nguyễn Ngọc Châu (67 tuổi, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã nhanh chóng tiếp cận và mạnh dạn đầu tư.
Đến nay, với thâm niên nghề nuôi tôm thẻ chân trắng gần 13 năm, ông đầu tư 3 ha ao nuôi áp dụng công nghệ Semi - Biofloc, gắn hệ thống đèn led trong các ao nuôi, thiết lập hệ thống máy móc hỗ trợ…
Theo đó, năm 2010 ông bắt đầu chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh với diện tích 8,2 ha. Sau vài vụ nuôi, các ao tôm đối mặt với dịch bệnh và ô nhiễm môi trường nước. Ông bắt đầu thay đổi cách tiếp cận về việc nuôi tôm thông qua tìm kiếm thông tin, kỹ thuật qua các phương tiện thông tin, cũng như tham quan học tập từ các vùng nuôi khác.
Đến năm 2016, ông bắt đầu chuyển đổi dần các ao nuôi sang áp dụng công nghệ Semi – Biofloc và ổn định cho đến nay với 3 ha ao nuôi áp dụng công nghệ Semi - Biofloc, 5 ha nuôi bán thâm canh. Toàn bộ các ao đều lắp đặt hệ thống camera giám sát, khử khuẩn, hạn chế tối đa tác động của các tác nhân bên ngoài.
Theo ông Châu chia sẽ: công nghệ Semi – Biofloc giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng, lọc nước… trong ao nuôi, đảm bảo an toàn với mức độ cao. Giúp người nuôi điều chỉnh được các vấn đề trong quá trình nuôi để giảm thiểu dịch bệnh và ô nhiễm, giúp tôm phát triển và khả năng thành công cao hơn. Đặc biệt, người nuôi phải làm chủ được công nghệ, am hiểu kỹ thuật, đồng thời kết hợp kinh nghiệm với nhiều yếu tố khác.
Hệ thống ao nuôi của ông Châu. Ảnh: NTN
Tuy nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc đòi hỏi đầu tư vốn cao, nhưng ngược lại việc nuôi tôm an toàn, hiệu quả kinh tế mang lại cao, người nuôi cầm chắc phần thắng đến 80%. Mỗi năm, ông thả nuôi 2 vụ, với mật độ 200 con/m2. Vụ 1 qua Tết Nguyên đán thả giống, đến tháng 4 thu hoạch xong là nghỉ nuôi, bởi mùa hè thời tiết nắng nóng tôm phát triển không được.
Đến tháng 7 làm vệ sinh ao, tháng 8 vào mùa mưa thả giống nuôi lại. Mùa đông tôm phát triển mạnh hơn và giá bán cũng tốt. Nuôi tôm truyền thống năng suất chỉ đạt 30 tấn/ha nhưng nuôi tôm công nghệ cao năng suất có khi đạt đến 50-60 tấn/ha.
Về lực lượng lao động tại cơ sở nuôi của ông chủ yếu là người dân địa phương, với 35 lao động được trả lương cứng khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, được cung cấp chế độ ăn ở, sinh hoạt và một số phụ cấp khác ghi rõ trong hợp đồng của mỗi người. Bên cạnh đó, ông áp dụng cơ chế đặc thù để khuyến khích, giúp người lao động có trách nhiệm hơn trong công việc, đó là việc chia sẻ lợi nhuận với người lao động trên từng ao nuôi.
Cụ thể, mỗi ao nuôi có 5 - 7 lao động cùng phụ trách, sau mỗi vụ nuôi những lao động này sẽ được hưởng 5% lợi nhuận của ao nuôi đó. Chính vì vậy, ao nuôi càng thu lợi nhuận cao thì người lao động sẽ được chia lợi nhuận cao, nên ông rất yên tâm khi giao các ao nuôi cho họ quản lý.
Không những tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào nuôi tôm, ông Châu luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mà bản thân đã học hỏi, đúc kết được với tất cả những ai quan tâm. Nhiều nhân viên khi làm việc đủ lâu, nhận thấy năng lực của họ, ông đều khuyến khích họ mạnh dạn ra làm riêng và sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần thiết.
Thu hoạch tôm tại cơ sở nuôi của ông. Ảnh: NTN