TIN THỦY SẢN

Bình Liêu: Những khởi đầu đáng ghi nhận

Trọng Khang

Là huyện miền núi, Bình Liêu xác định chương trình nông thôn mới (NTM) sẽ tạo bứt phá để phát triển toàn diện các lĩnh vực trên toàn địa bàn. Chính vì vậy, toàn huyện đã nhanh chóng vào cuộc, tạo nên sức mạnh đồng bộ.

Mô hình nuôi cá Rô thương phẩm ở Bạc Liêu (Ảnh minh họa)

Ngay từ năm 2011, huyện đã hoàn thiện bộ máy điều hành chương trình xây dựng NTM cấp huyện và cấp xã; phủ kín quy hoạch xây dựng NTM trên toàn địa bàn; hoàn thành đề án cấp xã và kế hoạch thực hiện NTM 5 năm của cấp huyện. 100% các thôn, bản có nhà văn hoá đạt chuẩn. Tất cả các xã có điểm Bưu điện - Văn hoá xã truy nhập Internet và có tủ sách văn hoá. 7/7 xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Duy trì 100% số Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Có được kết quả trên do Bình Liêu phát động được phong trào từ cơ sở. Các xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM, Ban phát triển, Ban giám sát xây dựng nông thôn. Ban chỉ đạo NTM của  huyện phối hợp với các xã kịp thời triển khai công tác lập quy hoạch NTM và hướng dẫn các xã ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn trong xây dựng công trình.

Trước đó Bình Liêu đã tổ chức đánh giá thực trạng của huyện và từng xã, tìm ra điểm then chốt cần khắc phục để tiến hành xây dựng NTM có hiệu quả ngay trong giai đoạn đầu. Các xã đều nắm chắc bộ tiêu chí Quốc gia NTM để rà soát vào địa phương mình từ đó đưa ra lộ trình thực hiện. Huyện và xã xác định vai trò chủ thể xây dựng NTM là nhân dân; từ đó, lấy đây là đối tượng chính để tập trung tuyên truyền. Do vậy toàn bộ những nội dung của việc lập đề án, đồ án quy hoạch... nguyên tắc của huyện đề ra là phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để tạo nên sự đồng thuận cao nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Huyện đã phát động phong trào thi đua toàn dân.

Trong một thời gian ngắn 7 xã đã tuyên truyền được 97 cuộc tại các thôn, bản huy động được 5.112/ 5.433 lượt đại diện các hộ dân tham gia. Một số đoàn thể như Mặt trận, Liên đoàn Lao động, Thanh niên, Ban Dân vận đã tổ chức tiếp cận các đối tượng tuyên truyền, trong đó Hội Phụ nữ đã vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” theo nội dung xây dựng NTM có hiệu quả cao. Từ sự vào cuộc đồng bộ tạo nên những thuận lợi cơ bản, ngay từ cuối tháng 9-2011, tất cả các xã của Bình Liêu lập xong đề án xây dựng NTM, đồng thời hoàn thành xây dựng đề án NTM cấp huyện  và đặt ra kế hoạch cụ thể triển khai các nội dung xây dựng NTM giai đoạn 2011 đến 2015.

Điểm mấu chốt để chương trình xây dựng NTM có tác động tích cực, đó là công tác lập quy hoạch xây dựng NTM cấp xã. Từ việc cử cán bộ các phòng, ban nghiệp vụ tập huấn tại tỉnh Bình Liêu đã xây dựng được cách làm bài bản trong việc phối hợp với các xã và đơn vị tư vấn để khảo sát lập đồ án quy hoạch cụ thể như: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, TTCN và dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội môi trường, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang những khu dân cư hiện có trên địa bàn các xã; quy hoạch phát triển sản xuất, mà trong đó lấy 2 xã Lục Hồn, Vô Ngại xây dựng mô hình để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch cụ thể để có biện pháp đầu tư phát triển cụ thể.

Trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, huyện đã triển khai rà soát diện tích đất rừng của các đơn vị doanh nghiệp làm cơ sở để đề nghị bàn giao cho các hộ gia đình có đất sản xuất. Huyện triển khai thực hiện dự án mô hình phát triển sản xuất nông - lâm, chế biến nông phẩm phù hợp với địa phương như: mô hình trồng giống lúa mới, chương trình trồng và chế biến miến dong, mô hình nuôi nhím, nuôi bò tại chuồng, nuôi lợn nái, mô hình nuôi gà sao, nuôi cá nước chảy, cá rô đồng, nuôi dê vùng khó khăn... Bước đầu các mô hình triển khai thuận lợi, một số mô hình đã có thành công ban đầu. Trên cơ sở đó huyện đã xây dựng đề án phát triển sản xuất đến hết năm 2012 với tổng số 19 mô hình, chương trình, dự án...

Bên cạnh đó, công tác đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội có những nét tích cực. Huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 22 nhà văn hoá thôn bản đảm bảo tiêu chí, đồng thời rà soát những nhà văn hoá đã xây cần sửa chữa nâng cấp hoặc xây mới. Qua đó Bình Liêu đề nghị xây mới 34 nhà văn hoá hiện có bởi diện tích nhỏ hơn 50m2 không đảm bảo những tiêu chí của NTM. Đề nghị tu sửa nâng cấp 41 nhà văn hoá có diện tích rộng hơn 50m2; triển khai xây dựng 3 trường là tiểu học Lục Hồn và mầm non Lục Hồn, Vô Ngại đạt chuẩn Quốc gia. Triển khai xây dựng một số trụ sở UBND xã và văn phòng công an xã. Huyện phối hợp với Điện lực Quảng Ninh xây dựng hệ thống lưới điện cung cấp cho 4 xã vùng biên giới và triển khai xây dựng 160 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh tại 3 xã Đồng Tâm, Tình Húc, Vô Ngại. Đồng thời xây dựng bể chứa nước cho 200 hộ dân ở hai xã Hoành Mô, Lục Hồn. Giai đoạn đầu nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Bình Liêu là 106,57 tỷ đồng tập trung phân bổ cho các nội dung quy hoạch NTM, quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng nhà văn hoá thôn bản, xây dựng kết cấu hạ tầng cho một số xã khó khăn, giao thông thuỷ lợi, nước sạch vệ sinh môi trường.

Những chuyển động nói trên là nền tảng quan trọng để Bình Liêu triển khai thành công các bước tiếp theo của chương trình xây dựng NTM.

 

Trọng Khang Báo Bạc Liêu