TIN THỦY SẢN

Bình Phước:  Cảnh sát môi trường có lạm quyền?

Cty CP chăn nuôi Bình Phước là mô hình chăn nuôi công nghiệp hiện đại lớn nhất nước đang bị đe dọa! Ảnh: Phùng Bắc

Ông Nguyễn Như Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần chăn nuôi Bình Phước, tỉnh Bình Phước - thay mặt HĐQT và hơn 500 công nhân lao động gửi đơn kêu cứu đến Báo Lao Động và các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Viện KSND Tối cao... về việc “Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49)- Công an tỉnh Bình Phước có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền... khiến doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiệt hại hơn 1.474 tỉ đồng”.

Bài 1: Điều tra "bất thường"..., doanh nghiệp gặp họa!

Đe dọa mô hình chăn nuôi lớn nhất nước

Cuối tháng 6.2013, nhận được đơn kêu cứu của Cty cổ phần chăn nuôi Bình Phước (gọi tắt là Cty), phóng viên Báo Lao Động đã vào cuộc điều tra, cho thấy, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước kêu gọi các DN trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, Cty đã được thành lập vào năm 2010, tổng số vốn đầu tư xây dựng dự án chăn nuôi heo, gà... là 170 tỉ đồng và đã đi vào hoạt động từ tháng 6.2012 tại tỉnh Bình Phước cho đến nay.  

Đây là dự án lớn nhất Việt Nam và ngang tầm khu vực các nước Đông Nam Á, tổng đàn heo gần 10.000 con heo nái, 320.000 con gà đẻ trứng trị giá hơn 85 tỉ đồng, 300.000 con gà thịt trị giá hơn 91 tỉ đồng, nuôi bằng công nghệ nhập về từ Đức, nuôi gà lạnh, nhà máy phân bón 40 tỉ đồng, dự án trồng caosu trị giá hơn 138 tỉ đồng… Hoạt động Cty bắt đầu đi vào ổn định, mặc dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước đang khó khăn, khủng hoảng, nhưng với đội ngũ hơn 500 CNLĐ cùng cán bộ lãnh đạo Cty đã cố gắng phát triển mô hình chăn nuôi quy mô lớn nhất nước này. 

Thế nhưng, từ đầu năm 2013 đến nay, không hiểu vì lý do gì, PC49- CA tỉnh Bình Phước liên tục “mời” các thành viên HĐQT, các cổ đông lên trụ sở CA làm việc. Đáng nói là Cty đang hoạt động bình thường, bỗng bị CA triệu tập như “tội phạm”, khiến cả Cty náo loạn, đặc biệt nghiêm trọng là các đối tác, hợp tác với Cty (đã ký hợp đồng) hoang mang, gây tổn thất hàng chục tỉ đồng vì bị nhiều khách hàng với Cty cắt hợp đồng và nguy cơ thiệt hại lên đến hơn 1.474 tỉ đồng với nhiều hợp đồng đã ký kết. Đó là chưa kể, việc PC49- CA tỉnh Bình Phước đã làm việc với Cục Thuế tỉnh Bình Phước để “điều tra” việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Cty, mặc dù đã được trả lời bằng văn bản là Cty hoàn toàn thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế của mình. 

Cảnh sát không nắm luật!

Ông Nguyễn Như Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Cty - bức xúc: “Không hiểu vì lý do gì, bỗng dưng PC49- CA tỉnh Bình Phước ra hàng loạt văn bản có dấu hiệu bất thường, vì không hề có quyết định khởi tố điều tra vụ án nào đối với Cty, nhưng cung cách làm việc của CA chẳng khác nào xem chúng tôi đã là tội phạm”. 

Cụ thể, qua điều tra của Báo Lao Động, đó là Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường-PC49 đã ra văn bản số 15/PC49-Đội 3, ký ngày 26.3.2013 với nội dung yêu cầu Cty cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến hành điều tra việc thuê đất để đầu tư xây dựng trại chăn nuôi heo của Cty tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, điều tra hoạt động đầu tư, điều tra việc Cty nộp thuế… và thậm chí là điều tra luôn cả việc Cty này vay vốn tại Ngân hàng NNTPNT tỉnh Bình Phước và chi nhánh Ngân hàng NNPTNT huyện Đồng Phú. Không những các thành viên HĐQT Cty tốn rất nhiều thời gian đi lại vì bị mời lên PC49 làm việc, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, gây sự hoang mang lo lắng trong ban lãnh đạo Cty cũng như hơn 500 công nhân đang lao động sản xuất. 

Đáng lưu ý về dấu hiệu “bất thường” hơn cả, đó là tại công văn số 402/CAT-PC49 “về việc yêu cầu ngân hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động vay vốn của Cty cổ phần chăn nuôi Bình Phước”. Về vấn đề này, vị đại diện Ngân hàng NNPTNT tỉnh Bình Phước trả lời thẳng ở biên bản làm việc ngày 28.3.2013 với PC49: “Theo quy định pháp luật, ngân hàng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động vay vốn của Cty cổ phần chăn nuôi Bình Phước cho CA tỉnh Bình Phước khi có các quyết định thanh tra, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can”. 

Không những việc làm này của PC49 có dấu hiệu “bất thường” vì ít nhiều ông Trưởng phòng PC49- thượng tá Trà Văn Hồng và những cán bộ điều tra của PC49 đến làm việc với ngân hàng cũng đủ hiểu biết về luật pháp, một khi đi yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về khách hàng vay vốn mà chỉ bằng một cái công văn như thế này? 

Chưa hết, ngay cả trong các “giấy giới thiệu” mà đại úy Đào Anh Tài và thiếu úy Nguyễn Thành Công do ông Trưởng phòng PC49- thượng tá Trà Văn Hồng ký, để đi “làm việc” nhiều nơi, lại đều thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy định, đó là không đề ngày, tháng, năm về thời hạn giá trị của “giấy giới thiệu”.

Một luật sư Đoàn luật sư TPHCM cho biết: “Việc cơ quan điều tra không có lệnh khởi tố, nhưng vẫn điều tra các cá nhân như một tội phạm là điều thường xảy ra, mặc dù việc làm này không đúng pháp luật. Các điều tra viên lý giải công việc bất hợp pháp của mình là “xác minh đơn thư tố cáo hoặc cần làm rõ vấn đề nào đó”. Những việc làm này là trái luật, vì một khi chưa có quyết định khởi tố bị can thì cơ quan điều tra không được hạn chế các quyền công dân của ai đó thông qua việc triệu tập làm việc... gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của công dân và xâm phạm đến các hoạt động bình thường của họ”.

 

Lao động