TIN THỦY SẢN

Bình Thuận: Lại rầm rộ cào nhám trái phép

Ảnh: Báo Bình Thuận Minh Vân

Thời gian gần đây, hoạt động cào nhám trái phép trên địa bàn thị xã La Gi diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù Chi cục Thủy sản đã tích cực phối hợp với các lực lượng Biên phòng tăng cường tuần tra, bắt giữ và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm nhưng tình hình tàu cá cào nhám vẫn không suy giảm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2017 đến nay, tại một số địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện và có xu hướng phát triển tàu cá làm nghề cào nhám (còn gọi là chem chép). Thực chất nghề cào nhám là nghề giã cào (lưới kéo) ven bờ, là một trong những nghề khai thác có tính chất tận diệt nguồn lợi thủy sản và ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các loài hải sản ven bờ. Mặt khác, do tàu cá làm nghề cào nhám chỉ hoạt động ven bờ nên thường gây mất mát, hư hỏng ngư lưới cụ, làm thiệt hại sản xuất cho ngư dân hành nghề ven bờ khác, tạo mâu thuẫn, bức xúc trong cộng đồng ngư dân, nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại các địa phương ven biển.

Trạm trưởng Trạm Quản lý Bảo vệ nguồn lợi thủy sản La Gi - Nguyễn Bá Tuận cho biết, nghề cào nhám bắt đầu hoạt động trên vùng biển La Gi từ đầu năm 2017. Sò nhám xuất hiện dày từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, nên số lượng tàu cá hoạt động nghề cào nhám phát triển khá nhanh. Trong đó, có cả những tàu của địa phương khác đến hoạt động tại vùng biển La Gi. Đáng chú ý hơn, trên địa bàn thị xã có khoảng hơn 50 tàu cá hành nghề cào nhám, trong đó nhiều tàu hành nghề câu khơi chuyển sang hoạt động nghề cào nhám.

Các tàu hành nghề cào nhám thường có công suất trên dưới 90CV, hoạt động khai thác cả ngày lẫn đêm, cách bờ khoảng từ 50 - 200 m, tập trung nhiều nhất ở vùng biển thuộc các xã Tân Tiến, Tân Hải và Tân Phước. Các tàu này kéo theo sau những khung sắt dài gần 1,5 m có thể cào sâu vào nền đáy biển. Kèm theo tấm lưới có kích thước mắt lưới nhỏ đến mức tàu chạy đến đâu, khung cào quét sạch đến đó, tận thu triệt để bất cứ thứ gì mà nó đi qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài hải sản và nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

Được biết, nhuyễn thể này được bỏ mối cho các cơ sở nuôi tôm ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên... và xuất đi Trung Quốc. Theo Trạm Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản La Gi, trong năm 2018, đã có 56 trường hợp hành nghề cào nhám vi phạm bị xử lý, phạt 14 triệu đồng/1 trường hợp và tịch thu toàn bộ ngư cụ. Riêng 3 tháng đầu năm, thêm 5 trường hợp bị xử lý.

Trước thực trạng trên, UBND thị xã đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, các ban ngành chức năng, UBND các xã, phường vùng biển đã phối hợp chặt chẽ với Trạm Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản La Gi, Đồn Biên phòng Phước Lộc trong việc tổ chức kiểm tra, rà soát, lập danh sách các chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân của xã, phường hoạt động nghề cào nhám để theo dõi, giám sát. Đồng thời, vận động tuyên truyền và kiểm soát chặt chẽ khi tàu xuất bến, nhập bến, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên biển để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá hoạt động cào nhám trên các vùng biển ven bờ. Đặc biệt, tiếp tục vận động ngư dân tự giác chấm dứt hoạt động cào nhám, chuyển đổi sang các nghề khác thân thiện với môi trường, nguồn lợi thủy sản và mang tính bền vững.

Minh Vân Báo Bình Thuận