TIN THỦY SẢN

Bổ sung bí đỏ làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Undercurentnew

Lê Quốc Việt và cộng sự đã tiến hành thí nghiệm đánh giá khả năng bổ sung bí đỏ làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng. Kết quả báo cáo được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 54, Số 9B (2018).

Khi nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng siêu thâm canh thì tôm thường có màu đỏ nhạt sau khi luộc chín, do tôm không tổng hợp đầy đủ sắc tố, đặc biệt là astaxanthin (Yu et al., 2003). Trong nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với rong bún (Enteromorpha sp.) và rong mền (Cladophoraceae), sau khi luộc chín tôm có màu đỏ đậm (Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv., 2014). 

Nghiên cứu trước đây của Trần Minh Bằng và ctv. (2016), khi thay thế 10% thức ăn công nghiệp bằng bí đỏ thì cho màu sắc đậm hơn, giảm được chi phí thức ăn, tăng trưởng thấp hơn không có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định lượng bí đỏ bổ sung thích hợp cho sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, đồng thời cải thiện màu sắc và chất lượng của tôm nuôi, góp phần xây dựng qui trình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm.

Thí nghiệm được thực hiện như thế nào?

Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Các nghiệm thức bổ sung bí đỏ gồm: 

(1) Chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp (đối chứng); 

(2) Bổ sung bí đỏ 10%; 

(3) Bổ sung bí đỏ 20% 

(4) Bổ sung bí đỏ bằng 30% lượng thức ăn công nghiệp.

Thí nghiệm được bố trí trong hệ thống bể nhựa 250L (thể tích nước 200L) với độ mặn của nước là 15‰, độ kiềm ban đầu là 143,2 mg CaCO3/L và mật độ tôm nuôi 150 con/m3 (30 con/bể 200L). Tôm có khối lượng ban đầu 0,57 g/con. Thời gian thực hiện thí nghiệm là 60 ngày.

Bí đỏ trái tròn được mua tại chợ Hưng Lợi – Thành phố Cần Thơ, bí được băm nhỏ sao cho kích cỡ tương đương với kích cỡ thức ăn và cho ăn theo tỷ lệ thí nghiệm. Đối với các nghiệm thức có bổ sung bí đỏ, thức ăn công nghiệp được cho ăn 3 lần/ngày và bí đỏ cho ăn 1 lần/ngày vào lúc 18h00.

Kết quả:

Như vậy, nhiệt độ và pH trong quá trình thí nghiệm đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển bình thường của tôm nuôi.

Khi bổ sung 10% bí đỏ vào khẩu phần ăn của tôm thì sinh khối của tôm nuôi được cải thiện (1,22 kg/m3) so với chỉ sử dụng thức ăn viên (1,04 kg/m3) và chi phí thức ăn cho 1 kg tôm thương phẩm cũng thấp nhất (37.261 đồng).


Việc bổ sung 10% bí đỏ cho tôm ăn thì màu sắc của tôm nuôi đậm hơn so với chỉ cho cho tôm ăn thức ăn viên. Tuy nhiên, thành phần sinh hóa của tôm không khác biệt so với nghiệm thức đối chứng.

Kết quả cho thấy khi bổ sung 10% bí đỏ làm thức ăn cho tôm thẻ thì chất lượng của tôm nuôi được cải thiện và cũng giảm chi phí sử dụng thức ăn. Do đó, có thể bổ sung bí đỏ thay thế 10% lượng thức ăn viên để cho tôm thẻ chân trắng ăn trong nuôi thương phẩm, nhằm cải thiện năng suất, màu sắc và làm giảm giá thành sản xuất.

Tác giả: Lê Quốc Việt*, Trần Minh Phú và Trần Ngọc Hải

DOI:10.22144/ctu.jvn.2018.185