TIN THỦY SẢN

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: Sẽ tập trung nghiên cứu về nuôi, chế biến cá tra và tôm

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sáng 8-4 Anh Phương

Sáng 8-4, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, phát triển nông thôn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự.

Nêu khái quát những thành tựu và bất cập của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu, các chuyên gia am hiểu, có tâm huyết và trách nhiệm với ngành này cho ý kiến đóng góp, nhằm tìm ra và kiến nghị những nhóm giải pháp đột phá, tạo đà phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo đúng tinh thần chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị cho biết chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới; đặc biệt là những giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp để đạt được những mục tiêu phát triển. Bà Bùi Thị An sau đó đã nhiều lần “tha thiết yêu cầu đại diện ngành Công Thương nêu rõ những giải pháp phối hợp để tổ chức hệ thống thương mại hiệu quả, tránh thương lái lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho nông dân”.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Cà Mau) nêu vấn đề: “Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 70% diện tích và sản lượng xuất khẩu thủy sản của nước, nhưng công tác nghiên cứu chưa được chú trọng; ở Cà Mau chỉ đặt 1 cơ sở nghiên cứu nhỏ lẻ, nghèo nàn thì làm sao thu hút được cán bộ, triển khai được đề tài lớn. Bộ trưởng có kế hoạch tháo gỡ như thế nào”?

Trả lời đại biểu Bùi Thị An, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, mặc dù đứng trong top 15 nền kinh tế xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển theo chiều rộng, hiệu quả hạn chế. “Đã đến lúc chuyển mạnh hơn sang tập trung nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của nông sản  hàng hóa đồng thời chuyển hướng mạnh mẽ sang cạnh tranh quốc tế. Không chỉ là một lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp còn góp phần ổn định đời sống xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững”, Bộ trưởng nói. Theo ông, những giải pháp chính là tổ chức lại theo hướng liên kết nông dân - doanh nghiệp để gia tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, phân phối lợi ích công bằng hơn... 


Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn

Đáp lời đại biểu Huỳnh Minh Hoàng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ cũng rất trăn trở với ngành thủy sản và đang nỗ lực cùng các bộ ngành địa phương chỉ đạo cơ quan nghiên cứu khoa học xác định mô hình cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện nuôi trồng các loại thủy sản khác nhau. Đặc biệt, sẽ không nghiên cứu dàn trải mà tập trung vào các vấn đề liên quan đến nuôi trồng, chế biến cá tra và tôm thay vì phân tán nguồn lực vào nhiều đề tài nghiên cứu; đề xuất với Chính phủ có các chương trình cho vay vốn có hỗ trợ dành cho người nuôi trồng thủy sản... 

Hiệu quả chăn nuôi là một vấn đề cũng được nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng giải trình. Ông Cao Đức Phát nói: “Chăn nuôi đúng là lĩnh vực còn yếu nhất. Tới đây, về hình thức tổ chức, một mặt chúng ta khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn hơn để làm ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao; mặt khác cũng phải tìm cách hỗ trợ để các hộ chăn nuôi nhỏ chăn nuôi an toàn, có hiệu quả, tiến dần lên quy mô trang trại, áp dụng khoa học công nghệ tiến bộ. Đồng thời, đấy mạnh nghiên cứu chọn tạo phổ biến giống vật nuôi tốt; phát huy lợi thế của nước ta và từng vùng; nỗ lực hướng dẫn, phối hợp với địa phương chống dịch, từng bước hình thành hệ thống phòng chống dịch bệnh”.

Bày tỏ quan tâm đến kinh phí dành cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đại biểu Bùi Nguyên Súy hỏi: Tỷ trọng ngân sách cấp cho nghiên cứu khoa học là 2,4 nghìn tỷ đồng; vậy đề tài trong lĩnh vực này là bao nhiêu, ứng dụng thực tiễn đã góp phần tăng GDP như thế nào... “Công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ có xác định được có hay không tình trạng thất thoát, lãng phí, chỉ chạy theo tiến độ hay không? Hiện nay có tình trạng nhà khoa học không tin nhà quản lý công tâm, nhà quản lý không tin nhà khoa học nghiêm túc, thực trạng này có không?”, ông Súy chất vấn.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, khoa học ứng dụng vào nông nghiệp là vấn đề rất lớn. Liên quan đến khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước nhà, Bộ trưởng cho hay, gần như không có nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi để thay thế sản phẩm nhập khẩu. Bộ trưởng cho rằng, với cơ chế mới của Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi), việc đề xuất đề tài hiện nay theo hướng sát hợp với thực tế hơn, theo đó các nhà khoa học vẫn đề xuất, song các nhà nhà quản lý, doanh nghiệp cũng đề xuất “đặt hàng”; Bộ tổ chức thực hiện, sau đó bàn giao cho người đặt hàng; giúp tránh tình trạng dàn trải, lãng phí; nghiên cứu xong không có “đầu ra”.

Anh Phương Báo Sài Gòn Giải Phóng, 08/04/2014