BR-VT: Người nuôi tôm Phước Thuận “đánh bạc” với trời
Xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) là một trong những địa phương được quy hoạch phát triển vùng thâm canh nuôi tôm của tỉnh, dẫu có nhiều thuận lợi nhưng vùng đất này vẫn trải qua không ít thăng trầm với nghề nuôi tôm.
Sau thất bại của nghề nuôi tôm sú, từ năm 2008, nhiều hộ đã “phất” trở lại nhờ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng bây giờ, Phước Thuận đang trở lại cảnh đìu hiu...
Tôm thẻ chân trắng đã trở thành đối tượng nuôi lý tưởng cho người nuôi tôm trong tỉnh sau những thất bại liên tiếp khi nuôi con tôm sú. Chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, thời gian đầu, nhiều hộ thắng lớn. Người nuôi tôm cho biết, giống tôm thẻ sống khỏe, ít bệnh tật, thời gian nuôi ngắn, ít rủi ro, mau thu lợi nên cho hiệu quả kinh tế cao.
Thấy tôm thẻ chân trắng dễ nuôi, nhiều người dân mạnh dạn đào ao, cải tạo đùng tăng diện tích nuôi, khu nuôi tôm thẻ chân trắng Phước Thuận vì vậy phình ra nhanh chóng. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển ồ ạt, thu lãi tiền tỉ thì kịch bản “tôm chết hàng loạt, nông dân vỡ nợ” lại tái diễn trên giống tôm “ngoại lai” này. Người nuôi bắt đầu e ngại, thận trọng không dám mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi như trước đây.
Ông Huỳnh Văn Nam, trú tại ấp Ông Tô cho biết, gia đình ông gắn bó với con tôm đã hơn 10 năm nay. Vài năm trở lại đây, thấy nuôi tôm sú ít hiệu quả, ông đã chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng. Mấy vụ đầu thắng lớn, có năm chỉ với diện tích 5 sào, thu hoạch được hơn 4 tấn/vụ, với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg, ông lãi hơn 160 triệu đồng.
Thế nhưng, đầu tháng 3-2012, lứa tôm mới 25 – 30 ngày tuổi của gia đình ông bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, ông lỗ hơn 100 triệu đồng. Trong đợt dịch này, không chỉ có ông Nam mà còn nhiều hộ nuôi tôm trắng tay. Tôm thẻ chết, ông Nam lại quay lại với con tôm sú, hiện diện tích nuôi tôm sú của gia đình ông hơn 8 sào. “Nay chọn đối tượng nuôi này, mai chọn đối tượng nuôi khác theo kiểu đèn cù, nhiều lúc chúng tôi thấy bất an vì không biết rủi ro sẽ đến lúc nào” - ông Nam buồn bã nói.
Ông Mai Văn Ngọc cũng trú ở ấp Ông Tô cho biết, hiện tại gia đình ông đang có khoảng 2,4 ha nuôi tôm, nhưng ông chỉ nuôi 3 sào tôm thẻ chân trắng với hơn 10 vạn con giống. “Tôi chỉ nuôi cầm chừng để chờ thời cơ, chứ không dám mạnh tay đầu tư như các vụ trước đây” - ông Mai Văn Ngọc chia sẻ.
Được biết, trong đợt dịch đầu năm vừa rồi, gia đình ông Ngọc nuôi 6 ao với diện tích 1,5 ha, tôm chết hàng loạt, lỗ gần 300 triệu đồng. “Mặc dù tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý, cải tạo đáy ao và kỹ thuật nuôi, nhưng chỉ mới nuôi được khoảng 25 – 30 ngày, tôm chết lác đác vài con rồi sau đó chết trắng ao” - ông Mai Văn Ngọc cho biết.
Hiện nay, dù đã chính thức bước vào vụ nuôi tôm thẻ chân trắng mới, nhưng những vùng nuôi tôm của tỉnh vẫn đìu hiu. Riêng địa bàn xã Phước Thuận chỉ mới có 50 hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 200 ha, chiếm 30% diện tích theo kế hoạch. Hầu hết các hộ tham gia nuôi tôm đều chưa dám mạnh dạn đầu tư để mở rộng diện tích do tâm lý e ngại. Một số hộ mới bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đầu tiên, tuy nhiên diện tích nuôi rất nhỏ, chủ yếu nuôi để lấy kinh nghiệm.
“Thất bại của những vụ trước là nguyên nhân làm cho người nuôi tôm thận trọng hơn trong các vụ sau” - ông Huỳnh Văn Nam nói.
Tôm thẻ chân trắng có ưu điểm khỏe, kháng bệnh tốt, thời gian nuôi ngắn, chỉ khoảng 2 – 3 tháng nên được nhiều người nuôi ưa chuộng. Mấy năm trở lại đây, tôm thẻ chân trắng đã xuất hiện một số căn bệnh lạ, gây ra hiện tượng chết hàng loạt. Một số hộ dân có kinh nghiệm nuôi tôm lâu năm cho biết, hiện tượng tôm thẻ chân trắng chết rất giống nhau, lúc đầu là dấu hiệu bỏ ăn, sau đó chết lai rai một số con, một vài ngày sau tôm chết trắng ao.
Tuy nhiên, đến nay các nhà chuyên môn vẫn chưa xác định được nguyên nhân tôm chết là do bệnh gì, khiến người nuôi hết sức hoang mang. “Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa xác định được nguyên nhân tôm chết do mắc bệnh gì, nên chưa có giải pháp cụ thể để khuyến cáo cho bà con nông dân” - ông Võ Đức Chính, Trạm phó Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Xuyên Mộc, cho biết.
Theo kết quả khảo sát mẫu của Chi cục NTTS hồi đầu tháng 4 được biết, nguyên nhân tôm chết là do bị hoại tử gan tụy. Nhưng theo nhận định của các hộ dân nuôi trồng, chất lượng tôm giống cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sức kháng bệnh của tôm, tôm chết một phần có thể do chất lượng tôm giống kém, không bảo đảm khả năng sinh trưởng và phát triển.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở sản xuất con giống tôm thẻ nào, bà con nông dân chủ yếu mua giống trôi nổi ở ngoài, chất lượng con giống chưa được kiểm soát, khi nuôi được một thời gian ngắn tôm thường nhiễm bệnh và chết.
Do không có nguồn giống tốt đáp ứng nhu cầu nên người nuôi chủ yếu phải mua con giống chưa qua kiểm dịch để loại trừ các mầm bệnh nên gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, nhiều khả năng tôm chết không nằm ngoài chất lượng tôm giống kém. Bà con nuôi tôm ở Phước Thuận kiến nghị, tỉnh nên quy hoạch một vùng sản xuất con giống để đảm bảo uy tín, chất lượng cung ứng cho người nuôi.
Theo khuyến cáo của ông Võ Đức Chính, Trạm phó Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Xuyên Mộc, để hạn chế dịch bệnh, bà con nuôi tôm nên xử lý kỹ nền đáy ao trước khi đưa vào nuôi vụ tôm tiếp theo. Nếu ao đã từng xảy ra dịch bệnh thì nên cho ao nghỉ nuôi một thời gian, khi nào có nước mặn thì thả nuôi tiếp.
Nếu thả nuôi vào dịp Tết, bà con nên thả trước Tết 1 tháng hoặc sau Tết 1 tháng để tránh thời tiết lạnh, tôm dễ nhiễm bệnh. Ngoài ra, bà con nông dân nên chọn mua con giống ở các cở sở uy tín, đã qua kiểm dịch loại trừ mầm bệnh để bảo đảm chất lượng tôm giống.