TIN THỦY SẢN

Brazil: Nghiên cứu phương pháp phát hiện tồn dư thuốc trong cá

Cá Pacu. (Ảnh: Stock File) Nguyễn Dương

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Campinas (State University of Campinas (Unicamp)) đang nghiên cứu phát triển những phương pháp nhằm phát hiện tồn dư thuốc thú y trong động vật thủy sản, nghiên cứu này sẽ phục vụ hữu ích cho hoạt động giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giáo sư Felix Guillermo Reyes, chuyên gia khoa học thực phẩm thuộc Unicamp là điều phối chương trình, ngoài ra còn có sự tham gia của các nghiên cứu viên thuộc Viện Hóa chất của Unicamp, Đại học Quốc gia Paulista (Paulista State University (UNESP)) và Công ty Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil (Brazilian Agricultural Research Company (EMBRAPA)).

"Chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu cách thức những loại thuốc thú y được hấp thụ và chuyển hóa ở 3 loài cá có giá trị kinh tế cao nhất ở Brazil, gồm cá rô phi, cá pacu, và cá tambaquí," Reyes giải thích.

"Chúng tôi cũng sẽ tiến hành nghiên cứu sự giảm thiểu tồn dư, đặc biệt là trên cá phi lê, nhằm xác định thời gian những chất tồn dư này đạt giới hạn tối đa cho phép và nhằm tránh những rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng."

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng thiết lập khoảng thời gian tính từ lần sử dụng thuốc cuối cùng cho đến khi thịt cá được sử dụng.

Trong nghiên cứu này, phương pháp phân tích cũng sẽ được phát triển nhằm xác định những phân tử đặc biệt của một số chất tồn dư.

Về mặt giám sát thì một trong những mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá việc sử dụng một số chất chưa được kiểm định trong nuôi trồng thủy sản.

Reyes cho biết hiện tại trong nước chỉ có 2 loại thuốc sát trùng được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng người nuôi trồng có thể sử dụng 2 loại thuốc này để điều trị bệnh cho những loài động vật khác.

Việc sử dụng những thuốc không được kiểm soát trong nuôi trồng thủy sản sẽ tiềm tàng nguy cơ hủy hoại môi trường và sinh ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc.

"Một số chất tồn dư này đã được nghiên cứu ở các nước khác trong nghành nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên do diều kiện môi trường và đối tượng nghiên cứu rất khác nhau nên chưa thể áp dụng vào Brazil được," giáo sư cho biết thêm./.

Nguyễn Dương Theo Fis.com, 11/11/2013