Bước đột phá từ việc nuôi ngao
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các kỹ thuật truyền thống trong lĩnh vực nuôi nghêu (hay ngao) có thể bù đắp những thương tổn do tác động từ quá trình axit hóa đại dương.
Axít hóa đại dương là gì?
Axít hóa đại dương là hiện tượng CO2 hấp thụ vào trong nước biển. Quá trình này giúp giảm tốc độ của biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng mặt khác cũng ảnh hưởng tới sự sống trong lòng đại dương, cũng như các hoạt động phụ thuộc vào biển.
Theo nghiên cứu, axit hóa đại dương có khả năng khuếch đại tác động của biến đổi khí hậu, giảm khả năng hấp thụ Carbon dioxide (CO2) của đại dương, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh vật biển, mặc dù mức độ tác động khác nhau trên từng loài.
Các đại dương trên trái đất hiện đang hấp thụ khoảng một phần tư lượng CO2 được thải vào khí quyển. Lượng CO2 tăng lên được đại dương hấp thụ kéo theo đó sẽ làm suy giảm nồng độ pH, gây nguy hiểm cho các loài sinh vật biển, đặc biệt là những loài có vỏ.
Nghiên cứu kết luận mức độ đe dọa từ axit đại dương hiện vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ và khuyến cáo các chính phủ và giới hoạch định nên sớm có hành động để ngăn chặn các hiểm họa tiềm tàng đối với môi trường và nhân loại. Tăng tương tác giữa doanh nghiệp, chính trị và xã hội để xây dựng lối sống và nền kinh tế bền vững; đẩy mạnh việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Mới đây, một nghiên cứu vừa được trình bày tại cuộc họp GSA Connects 2022 của Hiệp hội Địa chất Hoa Kỳ, theo đó các nhà khoa học tiến hành phân tích chiến lược dựa trên các kỹ thuật nuôi ngao truyền thống từ địa phương có thể giúp giảm thiểu tác động của quá trình axit hóa đại dương đối với các sinh vật vôi hóa.
Tiến trình nghiên cứu
Các nhà khoa học đã triển khai một nghiên cứu nhằm kiểm tra hiệu quả của việc thêm vỏ ngao nghiền thành bột vào trầm tích liệu có thể giúp nâng cao độ pH của nước và hỗ trợ quá trình canxi hóa cho hoạt động vôi hóa của các sinh vật biển hay không? Các chuyên gia đã tìm thấy một số dữ liệu có ích cho việc nghiên cứu đến từ phương pháp quản lý động vật có vỏ bản địa tại vườn nuôi ngao ở Canada.
Vườn ngao là một hình thức nuôi trồng ngao ven biển lâu đời của người bản địa ở Alaska, British Columbia (tỉnh bang cực tây Canada) và bang Washington, bằng cách xây dựng một bức tường đá trong vùng thủy triều để tạo ra một khu vực bằng phẳng trên bãi biển. Vườn ngao hỗ trợ mở rộng môi trường sống để ngao phát triển mạnh và tăng năng suất.
Thêm chất bổ sung từ vỏ của các loài này vào trầm tích có thể giúp đệm nước chống lại quá trình axit hóa bằng cách hòa tan và giải phóng các ion vào nước. Các chuyên gia đã thực hiện các thí nghiệm trong phòng phạm vi phòng thí nghiệm nhằm kiểm tra việc thêm bột (nghiền từ vỏ) vào trầm tích có ảnh hưởng ra sao đến độ pH và độ kiềm của nước cũng như điều kiện vôi hóa của ngao.
Họ tiến hành thu thập các mảnh vỏ từ cá thể ngao chết từ một vịnh ở địa phương California để nghiền thành bột và sau đó bổ sung vào môi trường nuôi của những loài ngao Thái Bình Dương được nuôi trong nước biển axit hóa 90 ngày. Bằng cách phân tích độ pH và độ kiềm của nước trong thí nghiệm bên trên, các nhà khoa học nhận thấy rằng phương pháp này làm tăng độ pH và độ kiềm cả trong điều kiện nước biển có tính axit.
Tuy nhiên, các thử nghiệm sử dụng kỹ thuật này mới chỉ được tiến hành trên quy mô phòng thí nghiệm, bước quan trọng tiếp theo sẽ là xem độ hiệu quả của kỹ thuật này khi hoạt động trong môi trường tự nhiên. Với kiến thức nuôi trồng truyền thống lâu đời, lợi ích của việc thêm bột vỏ sò và dữ liệu thực nghiệm hiện nay cho thấy khả năng giúp chống lại các điều kiện axit hóa.
Kỹ thuật này có thể được coi là một công cụ hữu ích để chống lại các tác động cục bộ của quá trình axit hóa đại dương và có khả năng được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản thương mại như một phương pháp trực tiếp để bảo vệ các sinh vật hoạt động kém trong điều kiện axit.