Bước tiến trong xuất khẩu cá tra
Mới đây VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - Vietnam Association of Seafood Exporters and Producers) thông tin về xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil trong tháng 8/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng gần 180% và tăng 31% so với tháng 7/2022.
Bối cảnh xuất khẩu cá tra
Lạm phát và chi phí tăng cao ở cả nguyên liệu đầu vào, vận chuyển và giá bán ra, khiến cho người sản xuất, xuất khẩu cá tra vướng phải nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh giá cả để có thể phù hợp nhất với người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Đến năm 2022, nhu cầu nhập khẩu cá tra ở hầu hết thị trường đều tăng, tạo nên đà tăng xuất khẩu sớm hơn mọi năm. Thêm vào đó, chi phí cá tra nguyên liệu, vận chuyển đang ở mức cao nhưng so với các loại thuỷ sản khác, mức tăng giá của sản phẩm cá tra là không đáng kể.
Trong khi xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) lại ít bị tác động bởi những thách thức trên và trở thành điểm sáng trong ngành cá tra với kim ngạch ước tính 271 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022.
Thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.
Sự tăng trưởng đáng kể
Sau khi giảm liên tục xuống mức thấp nhất năm 2022 đến gần 3,5 triệu USD vào tháng 5, xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil tạo nên cú lội ngược dòng đáng nể trong vòng chưa đầy 3 tháng, đến tháng 8 việc xuất khẩu đã khôi phục tới 8,7 triệu USD (mức cao nhất trong 7 tháng qua).
Brazil thuộc top 4 các nước có thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Mexico, với trên 64 triệu USD (chiếm gần 3,6% tỷ trọng). Tồng giá trị xuất khẩu cá tra sang quốc gia này tính đến hết tháng 8/2022 tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tăng chủ yếu do giá trung bình xuất khẩu sang thị trường này cao hơn.
Được biết, Brazil là nước có đường bờ biển dài và nguồn nước dồi dào, là nơi tập trung nguồn sinh học thủy sản, các hệ sinh thái đa dạng và khổng lồ. Tuy nhiên, theo ước tính có đến khoảng 60% lượng thủy sản mà người Brazil tiêu thụ được nhập khẩu từ các nước khác ở Nam Mỹ, châu Á và châu Âu. Một số loài cá phổ biến được người Brazil ưa chuộng bao gồm cá hồi Chile, cá tra Việt Nam và cá tuyết Bắc Đại Tây Dương.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), giá trung bình cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Brazil trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng 43%. Trong khi khối lượng xuất khẩu cá tra sang Brazil trong giai đoạn này giảm 5% nhưng giá trị vẫn tăng 36%. Mức giá trung bình cá tra nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường này tăng liên tục từ đầu năm và đạt tới mức cao nhất là 3,4 USD/kg trong tháng 7/2022.
Trong 7 tháng đầu năm, lượng cá tra nhập khẩu vào thị trường này là 164,000 tấn thủy sản với trị giá 791 triệu USD, theo khảo sát về khối lượng giảm 17% nhưng lại tăng 19% về giá trị. Trong đó, nhập khẩu các loài cá thịt trắng như cá tuyết, cá tra, cá rô phi...chiếm 23% về khối lượng và 21% về giá trị nhập khẩu thủy sản.
Nhập khẩu cá tra từ Việt Nam chiếm 46% về khối lượng và các loài cá thịt trắng chiếm 33% về giá trị nhập khẩu vào Brazil. Do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, lượng cá tuyết đi vào thị trường Brazil có phần khan hiếm. Tuy nhiên, so với cá tuyết, giá cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Brazil vẫn gia tăng hơn.