Cả 3 hệ thống sông cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Hải Phòng: Độc hại và ô nhiễm nghiêm trọng
Hải Phòng hiện có 3 hệ thống sông nước ngọt chính gồm sông Giá, sông Rế và sông Đa Độ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cho toàn thành phố. Nhưng hiện tại, các dòng sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố có 350 nguồn xả thải ra các con sông này gây ô nhiễm trầm trọng.
Bất cập trong khai thác, sử dụng nguồn nước sông Giá
Sông Giá đang trực tiếp phục vụ nước tưới tiêu cho khoảng 12.400ha đất canh tác nông nghiệp, 600ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 300.000 dân huyện Thủy Nguyên và cho các nhà máy, khu công nghiệp như: Công ty xi măng Chinfon, Xi măng Hải Phòng,...
Mặc dù được đánh giá là con sông sạch nhất thành phố song hiện nay sông Giá (thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên) cũng đang có nguy cơ bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp vào nguồn nước. Đặc biệt là nước thải từ các làng nghề (làng nghề Mỹ Đồng), khu công nghiệp đóng tàu, sản xuất thép, khai thác và chế biến khoáng sản; nhiều bãi rác ven sông thuộc 5 xã trên địa bàn huyện; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp là những tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước khiến dư luận lo ngại.
Hiện nay, trên hệ thống thủy lợi của huyện Thủy Nguyên có 35 trường hợp xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, từ tháng 9/2011 đến nay có 17 trường hợp lấn chiếm công trình thủy lợi hai bên bờ sông.
Sông Đa Độ tình trạng ô nhiễm đã đến mức báo động
Sông Đa Độ là con sông nước ngọt chính có trữ lượng nước 17 triệu m3, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt (nhà máy nước Cầu Nguyệt công suất 40.000 m3/ngày) cho đại bộ phận dân cư các quận, huyện như: Kiến An, Kiến Thụy, An Lão, Đồ Sơn, Dương Kinh hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trên hệ thống sông có khoảng 11 bệnh viện lớn, nhỏ, khoảng 60 trạm xá xã, phường; 120 cơ sở sản xuất công nghiệp và 50 làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, chế biến lương thực, thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Hầu hết các cơ sở này đều không có công trình xử lý nước thải và xả thải trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ.
Ông Phạm Tiến Thắng, Chủ tịch UBND phường Tràng Minh, cho biết: “Các hộ dân sinh sống trên địa bàn phường chủ yếu làm nghề thu mua sắt vụn, phế liệu, trong quá trình tái chế không tránh khỏi việc gây ô nhiễm môi trường, hơn nữa quận Kiến An lại không có nhà máy thu gom xử lý nước thải nên toàn bộ nước thải đổ dồn về phường Tràng Minh khiến cho mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi đã có đơn kiến nghị gửi các ngành chức năng, Bộ Tài nguyên Môi trường đã về khảo sát và có đề án xây dựng nhà máy thu gom và xử lý nước thải từ ngã năm Kiến An trở về phường Tràng Minh. Ngày nào dự án chưa được triển khai thì người dân còn phải sống chung với nguồn nước thải ô nhiễm nặng nề này”.
Chưa kể, phường Tràng Minh còn có khu vực nghĩa trang truyền thống nằm sát bờ sông Đa Độ, nước thải của khu vực nghĩa trang cũng chảy xuống sông. Tình trạng này đã tồn tại bao năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp di dời để bảo vệ nguồn nước ngọt.
Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi dọc hai bên bờ sông. Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, tính đến tháng 11/2011, tổng diện tích đất hai bên bờ sông bị các công trình lấn chiếm là 916.153m2 thuộc địa bàn huyện Kiến Thụy, quận Dương Kinh, quận Kiến An và huyện An Lão.
Khu vực đường 10 huyện An Lão có hơn 10 doanh nghiệp hoạt động với nhiều cống nước chìm thải ra sông Đa Độ, nước thải chỉ được xả vào ban đêm khiến cho các lực lượng chức năng khó theo dõi và xử lý. Kết quả một đợt kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy: 100% doanh nghiệp xả thải đều không có giấy phép xả thải ra sông, 75% doanh nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, 90% doanh nghiệp không có đánh giá tác động môi trường.
Sông Rế hàm lượng chất hữu cơ, amoni, kim loại nặng... vượt giới hạn cho phép
Hiện nay, nguồn nước của sông Rế đang bị ô nhiễm từ nhiều nguồn: Nước thải sinh hoạt, sản xuất của thị trấn An Dương, các xã Lê Lợi, Đặng Cương,....thoát theo tuyến kênh An Kim Hải ra sông Lạch Tray. Tuy nhiên tuyến kênh này đang bị lấn chiếm gây ứ tắc, đặc biệt là khu vực chợ An Đồng dẫn đến tình trạng nước thải chảy ngược về phía sông Rế.
Nước thải sinh hoạt của xã Nam Sơn, Bắc Sơn huyện An Dương, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng và các doanh nghiệp phía Bắc đường năm, Bệnh viện Giao thông Vận tải, Trung đoàn tên lửa 285 đang được xả vào kênh Bắc Nam Hùng và đưa vào sông Rế.
Theo kết quả quan trắc sông Rế năm 2011 của Trung tâm Quan trắc môi trường - Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng, chất lượng nguồn nước sông Rế đã bị ô nhiễm bởi hàm lượng chất hữu cơ, amoni, kim loại nặng... vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (mức A2 trong QCVN08:2008/BTNMT).