TIN THỦY SẢN

Cá chết hàng loạt trên sông La Ngà, bao giờ mới xử lý dứt điểm?

Cá chết trên sông La Ngà đã từng diễn ra nhưng chưa được xử lý dứt điểm Ngô Trường

Người dân ở đây cho rằng, hiện tượng cá chết khá bất thường và nằm trong một vùng nhất định. Cụ thể, chỉ những bè cá nằm gần cầu La Ngà, phạm vi cách hai phía cầu khoảng 300 m mới có cá chết...

Sau hơn chục ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông La Ngà, Đồng Nai (5/5/2016), gây thiệt hại hàng tỷ đồng, bà con nơi đây mong cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm, hỗ trợ các hộ bị thiệt hại để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống…

Vừa qua, làng bè La Ngà (xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai) gặp rất nhiều khó khăn sau khi hàng loạt bè cá tại đây bị thiệt hại nghiêm trọng do hiện tượng cá chết bất thường không rõ nguyên nhân. Hiện tại, rất nhiều hộ vay tiền nuôi cá tại đây lâm cảnh nợ nần, người nợ ít vài chục triệu, người nhiều vài trăm triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Khoái (ấp 1, xã La Ngà) bị thiệt hại hơn 18 tấn cá diêu hồng, hầu hết cá đang chuẩn bị xuất bán. Anh cho biết: “Cá diêu hồng đều có trọng lượng bình quân từ 0,5 – 1 kg/con. Giá thời điểm hiện tại là 33.000 đồng/kg, vị chi thiệt hại tới 600 triệu đồng”.

Còn người chị của anh Khoái ở cách vài bè cá cũng thê thảm không kém. Chị Dương Hồng Tươi nuôi 4 bè với tổng cộng 30 tấn cá, nhưng chỉ trong 1 đêm đã chết hơn 7 tấn. Số cá còn lại nhờ chị huy động người làm kịp thời kéo ra vùng nước sạch nên may mắn giữ được. Chị cho biết: “Đợt này tôi vay mượn 500 triệu để làm ăn, đầu tư toàn bộ vào đàn cá, giờ đây cá chết, hàng trăm bao cám mua thiếu đã sắp đến kỳ hạn thanh toán. Chỉ trong một đêm, tôi mất trắng hơn 200 triệu đồng”.

Người dân ở đây cho rằng, hiện tượng cá chết khá bất thường và nằm trong một vùng nhất định. Cụ thể, chỉ những bè cá nằm gần cầu La Ngà, phạm vi cách hai phía cầu khoảng 300 m mới có cá chết, còn những hộ cách xa thì không có vấn đề gì. Những hộ nào phát hiện sớm, kéo nhanh bè cá ra xa khỏi khu vực cầu La Ngà cá đều sống sót. Do đó, người dân loại bỏ hoàn toàn nghi vấn cá chết do thời tiết thay đổi.

Được biết, những bè cá chết đều nằm gần một số nhà máy lớn ở Định Quán nên cũng có ý kiến nghi vấn: Có hay không chuyện xả thải bất hợp pháp?

Theo anh Khoái, trước khi cá chết, anh có kiểm tra nguồn nước thì phát hiện nước đổi màu đục, hơi có màu bạc, mùi hôi.

Sau đó, tất cả cá trong bè đồng loạt ngoi lên mặt nước, há miệng rồi bắt đầu chết dần, chìm xuống nước, sau đó nổi trắng bụng đầy mặt sông. Thông tin này cũng được nhiều hộ trong làng bè xác nhận, họ thấy nước đổi màu, có biểu hiện bất thường nhưng do chủ quan, nghĩ là do dòng nước nên không đi kiểm tra cá.


Cá chết được đưa vào bao tải bán cho các nhà vườn làm phân

Họ cho rằng, nếu trường hợp cá thiếu ôxi thì chúng sẽ bơi vòng vòng trên mặt nước khá lâu, sau đó mới ngóc miệng lên thở. Đằng này, vừa mới cho ăn được một lúc thì đã xảy ra chuyện.

Người dân ở đây cũng bác bỏ việc dịch bệnh xảy ra trên cá, vì nếu do bệnh phải xảy ra đồng loạt, thời gian phát bệnh cũng lâu chứ không phải 1 - 2 tiếng mà chết hết toàn bộ. Hơn nữa, thời gian kiểm tra bè của người dân rất thường xuyên vì hầu hết cá đều sắp xuất bán, nếu chúng có triệu chứng lạ sẽ phát hiện ngay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sần Sì Hồ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Định Quán cho biết: “Mẫu xét nghiệm nước và cá vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh và sẽ có kết luận sớm nhất. Theo tin báo từ các chuyên viên thủy sản của huyện, thì sau quá trình khảo sát ở sông La Ngà cho thấy mức ôxi ở sông thấp hơn nhu cầu tối thiểu để cá phát triển. Theo đó, mức ôxi yêu cầu để cá phát triển là 4 chấm, nhưng khi đo tại sông chỉ đạt 3 chấm”.

Người dân bị thiệt hại do cá chết bất thường tại đây rất mong cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm, hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại.

Ngô Trường Nông Nghiệp Việt Nam, 19/05/2016