TIN THỦY SẢN

Cá chết trắng, dân “kêu cứu” tỉnh, tỉnh chờ Bộ

Cá nuôi của người dân cạnh nhà máy sản xuất sô đa chết trắng hồ Ảnh: Đỗ Vinh Tin-ảnh: Tr.Thường

Chính quyền tỉnh Quảng Nam khẳng định cá chết trắng do ô nhiễm từ nhà máy Sô đa nên đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, nhưng 10 ngày chưa thấy Bộ phản hồi.

Tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 1-12, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng cá nuôi của người dân cạnh nhà máy sản xuất Sô đa liên tục chết trắng khiến người dân bức xúc, ông Lê Vũ Thương, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, cho biết đơn vị đã kiểm tra và có kết luận ban đầu nhưng vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT).

Theo ông Thương, nhà máy sản xuất sô đa của Công ty CP Sản xuất Sô đa Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu vận hành thử nghiệm từ tháng 6 đến nay và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến môi trường khiến người dân bức xúc. Vừa qua, Ban đã lập đoàn gồm đại diện Sở TN-MT, cảnh sát môi trường, chính quyền huyện, xã, thôn đi kiểm tra và tiến hành lấy mẫu nước thải và nước mưa chảy tràn từ công ty ra môi trường. Kết quả kiểm tra cho thấy một số thông số như độ pH, TSS, BOD5, Amoni, tổng Nitơ, Natri vượt quy chuẩn cho phép.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện quy trình xả thải ra môi trường của nhà máy có sự thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Công ty cho biết việc thay đổi này đã được Bộ TN-MT thống nhất nhưng khi kiểm tra thì không có hồ sơ.


Nguyên nhân cá chết là do nhà máy sô đa gây ô nhiễm

Trước tình hình đó, Ban đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường sớm có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động của công ty để xem xét việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, yêu cầu công ty chấm dứt ngay tình trạng xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Về việc cá nuôi của người dân liên tục bị chết trắng kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động thử nghiệm, ông Thương khẳng định nguyên nhân liên quan đến tình trạng ô nhiễm của nhà máy Sô đa. Tuy thế, ông Thương cho biết do nhà máy này được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nên việc xử lý cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại cho dân phải có ý kiến và kết luận của Bộ.

Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Chín, Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường sớm có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động của Công ty Sô đa từ ngày 19-11, nhưng đến nay vẫn chưa thấy Bộ phản hồi.

Tin-ảnh: Tr.Thường Người lao động, 02/12/2015