TIN THỦY SẢN

Cá chết trắng sông do thức ăn dư thừa?

Hàng chục tấn cá chết đã bị người dân vứt ra sông Cái Vừng. Nha Mân-Thốt Nốt

Các cơ quan chức năng ở An Giang, Đồng Tháp vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân khiến gần 1.200 tấn cá chết trên sông Cái Vừng.

Ngày 16-2, ông Nguyễn Văn Thành - Phó trưởng Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - cho biết đến nay, toàn huyện có 106 bè cá nuôi của 36 hộ dân bị thiệt hại với tổng sản lượng khoảng 464 tấn, thiệt hại tài sản gần 14 tỉ đồng.

Tất cả hộ nuôi cá này đều tập trung tại xã Phú Thuận A. Trước mắt, UBND huyện Hồng Ngự đã xuất ngân sách 100 triệu đồng để hỗ trợ những hộ bị thiệt hại với mức 2-5 triệu đồng/hộ. Chính quyền địa phương cũng đã huy động lực lượng vớt cá trôi dạt trên sông và đem đi tiêu hủy khoảng 20 tấn để hạn chế ô nhiễm môi trường.


Người dân méo mặt vì cá chết trắng bè.

Chiều cùng ngày, ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết theo báo cáo mới nhất thì cá nuôi trên sông Cái Vừng thuộc huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và huyện Phú Tân (An Giang) chết đột ngột do thiếu oxy.

Mật độ nuôi cao, lượng thức ăn dư thừa kết hợp với chất thải từ cá vào nguồn nước làm cho môi trường nước gia tăng chất hữu cơ, dẫn tới hiện tượng phù dưỡng làm phát triển tảo tranh giành oxy với cá. Ngoài ra, mực nước thấp và dòng chảy yếu cũng tạo nên hiện tượng thiếu oxy cục bộ.


Huyện Hồng Ngự hỗ trợ người dân vớt xác cá và đem đi tiêu hủy để tránh ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết kết quả phân tích mẫu nước cho thấy tồn tại những hóa chất có gốc nitric và phosphate. Các chất này không thể tự có trong môi trường nước sông, mà do con người đưa vào.

“Chúng có ở trong khá nhiều hóa chất công nghiệp. Quá trình chế biến một số sản phẩm có tinh bột cũng sản sinh ra một số chất này khiến cá không thể sống được” - ông Thư đánh giá.


Nhiều hộ nuôi cá gần đó phải di dời bè cá đi lánh nạn.

Trước những kết luận chưa thống nhất này của các ngành chức năng, UBND tỉnh An Giang vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Cảnh sát Môi trường tỉnh điều tra, xác định nguồn gốc hóa chất có gốc nitric và phosphate được thải ra từ đâu để xử lý.

Theo thống kê mới đây từ ngành nông nghiệp An Giang và Đồng Tháp, tổng lượng cá nuôi bè trên sông Cái Vừng bị thiệt hại là 1.119 tấn, trong đó An Giang 655 tấn với số tiền tiền lên đến hơn 31 tỉ đồng.

Nha Mân-Thốt Nốt Người lao động, 16/02/2016