Cá chình, cá bống tượng mùa nắng hạn
Thời tiết khắc nghiệt những ngày qua ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cá chình, cá bống tượng của nông dân TP Cà Mau hơn bao giờ hết, nông dân TP Cà Mau rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.
Gắn bó với nghề nuôi cá chình, cá bống tượng mấy mươi năm, chưa bao giờ gia đình ông Hồng Khương, Ấp 4, xã Tân Thành, TP Cà Mau lại ngậm ngùi “treo” 16 trên tổng số 20 ao nuôi cá vì thiếu nước.
Ông Hồng Khương cho biết, khoảng đầu tháng 2 âm lịch, nắng hạn gay gắt khiến lượng nước trong các ao nuôi cá của gia đình ông xuống thấp. Ðể bảo vệ sự sống cho gần 1.000 con cá chình, cá bống tượng, ông Khương dồn 12 ao lại còn 4 ao. Vậy mà, lượng nước cung cấp cho cá vẫn thiếu.
Chi phí ông đầu tư cho vụ cá này khoảng 120 triệu đồng. Nếu thời tiết thuận lợi như mọi năm, ông thu hoạch cá lãi hàng trăm triệu đồng. Nhưng giờ, lúc nào ông cũng phập phồng lo cho 4 ao cá. Nếu bán cầm chắc lỗ vốn vì thương lái ép giá.
Ông Chiêm Thanh Tuấn, Ấp 4, xã Tân Thành cũng đang lo lắng cho 7 ao cá chình, cá bống tượng. 50 triệu đồng là toàn bộ số vốn ông đầu tư để nuôi 7 ao cá, nhưng nắng hạn gay gắt, nước nóng, sắc lại nên khoảng 1 tuần ông mới dám cho cá ăn mồi 1 lần.
Ông Ngô Văn Xướng, Ấp 3, xã Tân Thành, ngậm ngùi: "Hiện tại giá cá thương phẩm sụt, bán bằng với giá cá giống. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng thì tôi bán cá, chứ cầm cự không nổi".
Theo rà soát của địa phương, toàn xã Tân Thành có 240 ha mặt nước nuôi cá chình, cá bống tượng. Nắng nóng, khô hạn, thiếu nước làm ảnh hưởng đến năng suất, trọng lượng cá của hầu hết các ao cá của bà con nông dân trên địa bàn xã. Nhất là phát sinh dịch bệnh trên cá.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Cà Mau, toàn thành phố có 1.070 ha nuôi cá nước ngọt, trong đó, diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng là chủ yếu. Diện tích cá chình, cá bống tượng tập trung nhiều nhất ở phường Tân Thành, xã Tân Thành, xã An Xuyên, xã Lý Văn Lâm.
Ông Trương Tấn Nghiệm, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết, ngoài động viên bà con, địa phương khuyến cáo bà con năm nay bớt lại diện tích nuôi. Cần dự phòng ao tích nước để châm nước cho ao cá. Ðịa phương cũng sẽ kiến nghị nạo vét các kinh nội đồng để tích trữ lượng nước mưa, lượng nước này sẽ được châm vào các ao cá của bà con vào mùa hạn thiếu nước.
Người nông dân nuôi cá chình, cá bống tượng TP Cà Mau đang đứng trước 2 lựa chọn, một là tiếp tục duy trì các ao cá được ngày nào hay ngày nấy, hai là bán đi, nhưng hiện giá cá thịt chỉ bằng giá cá giống do thương lái ép giá.
Do đó, trước khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để cứu lấy các ao cá nuôi, người nuôi cần chủ động tìm phương cách che chắn giảm nhiệt cho cá, đồng thời cung cấp lượng nước đủ cho sự phát triển của cá.