Cá da trơn Việt Nam bị Mỹ đưa vào chương trình thanh tra, giám sát
Mới đây, Tổng thống Mỹ Obama đã ký quyết định thông qua Luật Nông nghiệp năm 2014 của Mỹ, trong đó có nội dung đưa cá tra, cá basa Việt Nam vào chương trình thanh tra, giám sát của họ. Theo luật này, chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra, cá basa của Việt Nam sẽ được chuyển từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm sang Bộ Nông nghiệp Mỹ. Theo nhận định, những quy định mang tính bảo hộ thương mại nói trên sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ và đã vấp phải sự phải đối ngay trong nước Mỹ.
Từ trước tới nay, cá tra Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ chỉ kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm này. Nhưng với Luật Nông nghiệp mới, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ kiểm soát cả vùng nuôi, quá trình chế biến và vận chuyển cá. Các nhà nhập khẩu và phân phối của Mỹ cho rằng, sự chuyển đổi này là lãng phí và gây ảnh hưởng tới quyền lợi của chính người tiêu dùng Mỹ.
Ông Robert A. DeHaan, Phó chủ tịch Viện Thủy hải sản Hoa Kỳ cho rằng: “Chúng tôi rất thất vọng với những điều khoản mới ban hành trong đạo luật nông nghiệp liên quan đến cá da trơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là công ty chúng tôi và các nhân viên của chúng tôi, những người phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu thủy hải sản từ nước ngoài sẽ ngừng đấu tranh để mang lại những sản phẩm hải sản có chất lượng tốt nhất và có hiệu quả kinh tế cao nhất”.
Thượng nghị sỹ John McCain cùng 11 Thượng nghị sỹ khác đã bảo trợ một đạo luật nhằm loại bỏ chương trình kiểm soát cá da trơn. Ông khẳng định: chỉ vì nông dân các bang phía Nam của Mỹ không muốn cạnh tranh với cá nhập khẩu mà thành lập Văn phòng giám sát cá da trơn tại Bộ Nông nghiệp là một sự chồng chéo, lãng phí lớn vì từ trước tới nay Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đã làm tốt việc này.
“Tôi đã đấu tranh quyết liệt tại Thượng viện, thậm chí viết các bài báo lên án và tôi thấy, đây là vấn đề đáng xấu hổ. Thật vô lý khi người đóng thuế ở Mỹ phải chi đến 15 triệu USD mỗi năm để duy trì Văn phòng giám sát cá da trơn. Để làm gì? Đó chính là ví dụ tồi tệ nhất cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch”, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain nói.
Theo đánh giá chung, Chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông nghiệp 2014 nhiều khả năng đến 2015 mới có thể triển khai. Nhưng việc việc điều chuyển từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm về Bộ Nông nghiệp Mỹ đã bắt đầu. Và các cơ quan của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có sự hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ để hạn chế tối đa tác động tiêu cực.
Ông Lê Chí Dũng, Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ kiến nghị: “Việt Nam nên làm việc ngay với Bộ Nông nghiệp Mỹ để quy trình này diễn ra công bằng, minh bạch, công khai và đảm bảo không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của nông dân Việt Nam, không làm gián đoạn thương mại giữa hai nước”.
Theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, Bộ Nông nghiệp nước này phải công bố các quy định của Luật Nông nghiệp vào ngày 9/4 tới để triển khai thực hiện.