Cá lồng sông Gianh sẵn sàng phục vụ Tết
Tận dụng lợi thế mặt nước trên dòng sông Gianh cùng với thức ăn sẵn có, thời gian qua, nhiều hộ dân ở huyện Tuyên Hóa đã đầu tư nuôi cá lồng. Hiện nay, các lồng cá đã bắt đầu có khách hàng đặt mua để phục Tết Nguyên Đán, đây là kỳ thu hoạch lớn nhất trong năm của các hộ nuôi cá lồng nơi đây.
Toàn huyện Tuyên Hóa hiện có 409 lồng nuôi cá trên sông, bà con chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, tập trung nhiều ở các xã: Tiến Hóa, Châu Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa… Để giúp cho bà con ở các xã ven sông phát triển nuôi cá lồng, UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phương pháp nuôi hiện đại. Nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, sau khi trừ chi phí, đều cho thu nhập tương đối ổn định.
Về xã Châu Hóa, nơi được coi là "thủ phủ" nuôi cá lồng của huyện Tuyên Hóa, hiện toàn xã có 109 lồng cá nuôi trên sông Gianh. Ghé thăm lồng cá của ông Hoàng Văn Minh, thôn Kinh Châu-một trong những hộ gia đình tiên phong trong nghề nuôi cá lồng của xã. Gia đình ông Minh đang nuôi 4 lồng cá chuẩn bị xuất bán dịp Tết này, chủ yếu là cá trắm cỏ và cá lăng chấm, mỗi lồng 300 con trắm có cân nặng từ 2,5kg trở lên và cá lăng chấm từ 2kg trở lên.
Ông Hoàng Văn Minh cho biết: "Cá nuôi bằng thức ăn tự nhiên, nguồn nước sạch nên dai thịt, thơm ngon hơn cá nuôi trong ao, hồ. Tết luôn là thời điểm nhu cầu tiêu thụ cao nên đây là vụ nuôi quan trọng nhất trong năm. Cá bán dịp Tết có giá trung bình 100.000 đồng/kg, hiện đã có nhiều thương lái tới đặt mua để phục vụ Tết Nguyên Đán. Tết năm nay, gia đình có khoảng 8 tạ cá xuất bán phục vụ Tết, trong đó 5 tạ cá trắm và 3 tạ cá lăng chấm".
Theo ông Minh, để thương lái không ép giá thì người dân thường nuôi theo kiểu "đánh tỉa, thả bù", lúc nào cũng có cá để phục vụ bà con, cá lớn bán đi thì thả cả giống để chăm sóc, nhưng phần lớn người dân thả giống vào đầu tháng 2 âm lịch để kịp bán cho vụ Tết. Nếu thả thưa, cho ăn nhiều thì khoảng 1 năm là cá bán được, còn thả dày hơn thì khoảng 18 tháng mới xuất bán, cá nuôi càng lâu thì thịt càng ngon, khách hàng càng ưa chuộng.
Xã Đồng Hóa cũng là địa phương thời gian gần đây phát triển mạnh số lồng nuôi cá. Năm 2019, toàn xã có 26 lồng nuôi cá thì đến nay, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển sản xuất chương trình 135, toàn xã nhân rộng thêm 22 lồng nuôi, đưa tổng số lồng nuôi cá lên 48 lồng. Theo anh Nguyễn Văn Hùng, hộ nuôi cá lồng tại xã Đồng Hóa, hiện đầu ra của cá trắm lồng tương đối ổn định, riêng vụ Tết, các mối mua hàng đều đã có sẵn, chỉ cần gọi là các thương lái ở chợ tới tận bè nuôi để lấy hàng.
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hoá cho biết, bên cạnh việc chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, giúp người nông dân tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, huyện Tuyên Hóa đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ người dân kinh phí để mua con giống và làm lồng nuôi nhằm mở rộng mô hình, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân.
Nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp hàng trăm hộ dân huyện Tuyên Hóa tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa có hộ gia đình nào mạnh dạn đầu tư nuôi quy mô lớn. Thêm nữa, do đầu tư một lồng nuôi cá cũng khá tốn kém, cộng thêm chi phí thức ăn, cá giống…, nên số hộ dân tham gia nuôi còn ít.
Ngoài ra, những năm gần đây, tại một số địa phương, như: Tiến Hóa, Châu Hóa, về mùa hè, nguồn nước sông Gianh thường bị xâm nhập mặn, nếu không theo dõi để di dời thì cá có thể bị chết; còn về mùa mưa thì lũ có thể cuốn trôi lồng cá, thiệt hại nặng nề cho người nuôi.
Tuy còn đó những khó khăn nhưng nghề nuôi cá lồng vẫn đang trên đà phát triển bởi có lợi thế về tự nhiên là không mất diện tích và công đào ao hồ, hơn nữa, cá lồng nuôi trên sông là thực phẩm sạch ngon, sạch, được ưa chuộng, nhất là dịp Tết Nguyên đán.