TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Cần đẩy mạnh quản lý thuốc thú y thủy sản

Sử dụng thuốc thú y thuỷ sản phù hợp, đúng quy trình sẽ giúp sản xuất bền vững hơn.  Ảnh: HUYỀN ANH Đặng Duẩn

Cà Mau có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nên nhu cầu sử dụng thuốc thú y thuỷ sản trong nuôi trồng cũng rất lớn. Đây là thị trường màu mỡ nhưng do sự quản lý còn bất cập, nhiều công ty “chui”, đối tượng lừa gạt bán thuốc dỏm, không nhãn mác, hoặc thuốc không được phép lưu hành… gây thiệt hại lớn cho người dân.

Thời gian qua, tình trạng tôm chết, dịch bệnh xảy ra thường xuyên ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, kể cả tôm nuôi công nghiệp và quảng canh cải tiến. Điều này được xác định một phần do điều kiện thời tiết, người dân chủ quan không tuân thủ hướng dẫn quy trình kỹ thuật của cơ quan chức năng và không loại trừ khả năng sử dụng thuốc thú y thuỷ sản kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành.

Khó quản lý

Liên tiếp trong thời gian gần đây, Thanh tra Sở NN&PTNT phát hiện hàng loạt các mặt hàng thuốc thú y thuỷ sản giả, kém chất lượng, không có tên trong danh mục được phép lưu hành trên thị trường. Mặc dù đã bị các cơ quan chức năng xử lý, song thực trạng lưu hành thuốc thú y thuỷ sản kém chất lượng trên địa bàn tỉnh xem ra vẫn diễn biến khá phức tạp bởi các thủ đoạn lừa gạt tinh vi.

Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, thời gian qua, Thanh tra sở tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Có nhiều trường hợp khi bán sản phẩm tới tay người dân nhưng khi xảy ra tình trạng tôm chết thì không thể liên hệ được với công ty để phối hợp giải quyết. Cũng có trường hợp là sản phẩn để tên công ty nhưng khi phát hiện có sai phạm thì không thể liên hệ được với nhà sản xuất theo địa chỉ ghi trên bao bì.

Cách tiếp cận của những đối tượng trên là họ tung lực lượng tiếp thị xuống tất cả các địa bàn nuôi tôm trong tỉnh để móc nối bán trực tiếp cho người dân với giá rẻ và nhiều ưu đãi khi chịu nhận làm đại lý phân phối cho họ. Chính vì thấy lợi trước mắt mà nhiều hộ nuôi tôm mắc lừa, dẫn đến thiệt hại nhưng không biết kêu ai.

Ông Trần Văn Vàng, ấp Ông Do, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, nói: “Chúng tôi nuôi tôm thì việc sử dụng các loại thuốc thú y thuỷ sản là cần thiết với mong muốn mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều loại thuốc bán trên thị trường, người dân thường không thể biết rõ nguồn gốc cũng như nắm hết được thông tin là khi sử dụng thuốc đó có chất độc hại nào không, chủ yếu là do tiếp thị giới thiệu rồi mua thôi.

Có khi trong một năm sử dụng rất nhiều loại thuốc, vì khi thấy loại thuốc này không hiệu quả thì chuyển sang dùng thuốc khác”.

Cần tăng cường hỗ trợ người dân

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt nhằm ổn định thị trường thuốc thú y thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, cũng như tránh thiệt hại cho người dân.

Ông Phạm Thế Tài khẳng định: “Ngành đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Vừa qua, nhiều trường hợp đã bị xử lý. Cụ thể, qua các đợt thanh tra, kiểm tra mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục công ty, doanh nghiệp vi phạm bán những mặt hàng kém chất lượng cho người dân đã bị xử lý bằng nhiều hình thức”.

Trước thực trạng thuốc thú y thuỷ sản tràn lan như hiện nay, ngoài việc thanh tra, kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng là người dân cần trang bị kiến thức và đề cao cảnh giác để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.

Đặng Duẩn Báo Cà Mau