Cà Mau: Chi hỗ trợ thiệt hại trên tôm nuôi: Phải đúng đối tượng và đúng quy định
Phải có đăng ký sản xuất đầu mùa vụ với chính quyền địa phương và phải có hoá đơn chứng từ mua bán giống trong quá trình nuôi là 2 điều kiện bắt buộc để được hỗ trợ thiệt hại trên tôm nuôi trong đợt nắng hạn vừa qua.
Hai điều kiện này đang là chuyện khó làm cho hơn 53.000 ha tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống của người dân trong tỉnh Cà Mau bị thiệt hại trước khả năng không nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, mặc dù tỉnh đã công bố thiên tai.
Hiện nay, các huyện trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác thống kê diện tích tôm nuôi của người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng đợt nắng hạn vừa qua. Mặc dù có đến hơn 53.000 ha các loại hình tôm nuôi bị thiệt hại, nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương, nếu đem số diện tích trên chiếu vào quy định thì không có bao nhiêu hộ đủ điều kiện.
Dưới 5% đủ điều kiện hỗ trợ
Theo kết quả điều tra của huyện Trần Văn Thời, diện tích nuôi thuỷ sản bị thiệt hại khoảng 10.644 hộ với 14.436 ha. Tuy nhiên, qua đối chiếu theo quy định chỉ có 96 hộ đủ điều kiện được nhận hỗ trợ, với diện tích 67,8 ha.
Tương tự, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, qua thống kê thiệt hại hơn 8.000 ha, theo ông Tạ Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện, nếu chiếu theo các quy định thì gần như không có hộ nào đủ điều kiện để hưởng hỗ trợ. Ông Vũ nói, hơn 8.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại là khá lớn, do đó, mong rằng ngành chức năng nghiên cứu để có cơ chế chính sách mềm hơn, nhằm giúp người dân có điều kiện tốt hơn khôi phục lại sản xuất.
Trên địa bàn huyện U Minh, tình trạng nắng hạn kéo dài thời gian qua cũng đã làm trên 24.400 ha tôm và 930 ha cá ao hồ với khoảng 13.100 hộ bị ảnh hưởng. Theo ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cũng như những huyện khác, đa phần người dân huyện U Minh canh tác theo hình thức quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống nên việc thoả mãn điều kiện theo quy định gần như không được bao nhiêu. Nắng hạn đã gây ra thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của người dân hiện nay, mong rằng các ngành chức năng có giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác chi hỗ trợ cho người dân.
Có thể thấy, quy định phải đăng ký sản xuất đầu vụ với chính quyền địa phương và có hoá đơn chứng từ đang tạo nên khó khăn vô cùng lớn trong việc chi hỗ trợ. Vấn đề cũng đã được nhiều cử tri đặt ra trong buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu HÐND tỉnh tại xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, ngày 8/7 vừa qua.
Cử tri Huỳnh Văn Tân, ấp Má Tám, xã Việt Thắng, chia sẻ, nếu theo quy định thì gần như người dân nơi đây không ai được hỗ trợ. Bởi từ xưa đến nay, người dân chủ yếu theo thói quen cứ thấy tôm trong vuông hết thì mua về thả vào nuôi. Ðồng thời, trại nào có giống tốt (theo mắt nhìn) thì mua về thả nuôi, có ai đâu quan tâm đến chuyện lấy hoá đơn, mà có lấy về cũng chẳng để làm gì.
Chính tập quán sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm và mỗi người làm một kiểu đã làm khó chính họ trong việc hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Cũng như các huyện khác, ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, kiến nghị, 2 điều kiện trên thì chỉ có thể loại hình nuôi tôm công nghiệp áp dụng được, còn đối với tôm quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống khó có hộ nào đủ điều kiện. Mong rằng tỉnh xem xét có thể hỗ trợ giống như lúa, tức là tuỳ theo hình thức nuôi và diện tích nuôi mà có mức độ hỗ trợ khác nhau.
Hầu hết các huyện đều kiến nghị UBND tỉnh có đề xuất kiến nghị sửa đổi những quy định trên. Tuy nhiên, theo quan điểm của UBND tỉnh, trước mắt thực hiện theo đúng quy định.
Phát biểu tại phiên họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, diễn ra vào 6/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải bày tỏ quan điểm: "Ðăng ký kê khai trong sản xuất là quy định của Nhà nước và Nhà nước cũng đã quy định mua bán thì phải có hoá đơn chứng từ. Nếu các huyện đều đề nghị bỏ thì lấy gì làm căn cứ để hỗ trợ và đây là những điều kiện Nhà nước đã quy định trước. Có thể thấy, khó khăn này có nguyên nhân xuất phát từ ý thức trong sản xuất của người dân và chính quyền địa phương cũng phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong tổ chức sản xuất".
Tránh bị trục lợi
Hỗ trợ thiên tai là chính sách, mà đã là chính sách thì phải chi đúng đối tượng và phải đủ điều kiện theo quy định chứ không phải thấy tội nghiệp là chi. Ðồng thời, đây là chính sách rất dễ bị trục lợi, do đó, phải làm đúng quy trình, theo hướng dẫn. Ðợt chi hỗ trợ lúa bị thiệt hại vừa qua là một bài học kinh nghiệm, mặc dù mức độ sai phạm không lớn nhưng đã xảy ra ở một số nơi.
Báo cáo ngày 5/7 của UBND tỉnh về công tác chỉ đạo rà soát, khắc phục sai sót trong hỗ trợ thiệt hại do hạn hán, xâm mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho thấy, một số địa phương đã xảy ra sai sót. Cụ thể, tại Ấp 1 và Ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, việc điều tra, thống kê hộ thiệt hại còn bỏ sót, nên để có kinh phí chi hỗ trợ cho những hộ này, UBND xã Khánh Lâm cắt giảm 50% số tiền chi hỗ trợ cho các đối tượng có tên trong danh sách được hỗ trợ để bù đắp, chi cho các hộ mới phát sinh do điều tra sót.
Hay như trường hợp Bí thư Chi bộ và Trưởng ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, không tổ chức họp dân. Vì đánh giá khu vực này lúa thu hoạch đạt năng suất trên 4,6 tấn/ha, nên không có cơ sở xem xét hỗ trợ khiến 42 hộ dân ở đây có đơn yêu cầu, khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, nhiều hộ dân cũng đã có đơn yêu cầu đối với trường hợp Trưởng Ấp 1 Phạm Tư kê khai nhiều hơn diện tích thực tế sản xuất và một số hộ không sản xuất lại được hỗ trợ.
Trong vụ mùa năm 2015, ông Phạm Tư chỉ sạ 0,5 ha và gieo mạ để cấy 4 ha, nhưng do thời tiết ông Tư không cấy. Thế nhưng, ông Tư đã kê khai thiệt hại đến 6 ha và đã ký nhận đến 9 triệu đồng tiền hỗ trợ. Ngoài ra, còn có 3 hộ tại Ấp 1 không cấy nhưng được nhận hỗ trợ thiệt hại tổng cộng khoảng 4 triệu đồng. Trong khi đó, hộ ông Trần Văn Nuôi, Ấp 5, có cấy 0,39 ha bị thiệt hại nhưng không được hỗ trợ.
Người không làm thì được hưởng, còn người làm thật sự lại bị bỏ sót. Thực tế này xuất phát từ sự chủ quan của chính quyền địa phương trong việc tuân thủ trình tự, thủ tục theo hướng dẫn.
“Mặc dù biết theo đúng quy định thì đời sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, song sẽ có những chính sách, hình thức hỗ trợ khác, quan điểm là phải rõ ràng. Ðặc biệt, đây là bài học để tạo dần cho người dân thói quen trong sản xuất là phải báo và mua bán phải có hoá đơn, chứng từ”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các địa phương chỉ đạo nghiêm túc, trách nhiệm trong khôi phục lại sản xuất sau thiên tai. Theo đó, triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án Tái cơ cấu nền kinh tế. Ðồng thời, phải đẩy nhanh tiến độ, làm cả ngày lẫn đêm các công trình khắc phục thiên tai.