Cà Mau: Dân đào bới đất rừng nuôi tôm công nghiệp
Gần một tháng nay, dư luận ở xã Tân Ân bức xúc trước việc nhiều hộ dân (trong đó có cả cán bộ xã) tự ý đào bới đất rừng để nuôi tôm công nghiệp, nhưng chính quyền có dấu hiệu bất lực?
mặc dù UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương không quy hoạch và phát triển mới diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên diện tích rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái. Thế nhưng, hiện nay, tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, (H. Ngọc Hiển, T. Cà Mau) vẫn có rất nhiều hộ dân tự ý đào bới đất rừng – vùng nuôi tôm sinh thái để nuôi tôm công nghiệp.
Trong số hộ tự ý đào bới đất rừng, có phần diện tích đất do ông Nguyễn Tuấn Vũ, Bí thư xã đoàn Tân Ân đứng tên sở hữu. Việc làm này, đã khiến cho dư luận địa phương bất bình.
Một hộ dân sống ở ấp Xẻo Mắm cho biết, tình trạng tự ý đào bới đất rừng đã diễn ra hơn một tháng nay. “Khi mới đào bới, tôi thấy có cán bộ xã xuống lập biên bản, nhưng đến nay họ vẫn đào bới đất để làm đầm tôm công nghiệp mà chưa thấy cơ quan chức năng xử lý. Đầm tôm của gia đình ông Vũ đang trong giai đoạn hoàn thiện khâu lắp đặt thiết bị”, một hộ dân cho biết.
Ghi nhận của PV Báo NNVN, tại hiện trường, nhiều diện tích đất rừng – vùng nuôi tôm sinh thái bị đào bới, san lắp thành đầm tôm. Cơ giới thì vẫn hoạt động, nhưng không thất bóng dáng của cơ quan chức năng đến ngăn chặn.
Trước đó, ngày 30/5/2018, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã có văn bản số 1313/SNN-TS gửi các huyện như, Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển và Phú Tân về việc nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trong rừng ngập mặn và vùng nuôi tôm sinh thái. Theo đó, thời gian qua, việc quản lý quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ.
Việc phát triển nuôi trong diện tích rừng ngập mặn và vùng nuôi tôm sinh thái còn xảy ra ở nhiều nơi, gây không ít khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ rừng và tác động lớn đến hệ sinh thái rừng ngập mặn. Điều này, đã ảnh hưởng xấu đến vùng nuôi tôm sinh thái được chứng nhận, làm cho người nuôi tôm sinh thái phản ứng gay gắt, nhiều nơi dẫn đến khiếu kiện.
Nội dung văn bản nêu rõ: “Để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển bền vững nghề nuôi tôm. Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân và Đầm Dơi không quy hoạch và phát triển mới diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh trên diện tích rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái”.
Văn bản không cho mở rộng diện tích đất rừng để nuôi tôm công nghiệp.
Văn bản chỉ đạo là vậy, nhưng thực tế tại địa phương đang diễn ra những điều ngược lại, khiến cho dư luận địa phương buộc phải đặt nghi vấn, liệu chính quyền địa phương có bất lực hoặc cố tình bao che để người dân tự ý đào bới đất trái pháp luật?
Dư luận địa phương cho rằng, việc lập biên bản các hộ vi phạm rồi xử phạt VPHC vài triệu đồng chỉ làm chứng cứ để “đối phó”. Nếu làm đúng chức trách về việc quản lý của cơ quan Nhà nước thì khi phát hiện sai phạm, ngoài việc lập biên bản, xử lý hành chính thì cấp có thẩm quyền phải có động thái mạnh như buộc hộ dân phải trả lại nguyên trạng ban đầu và không được tái phạm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa đưa ra biện pháp cứng rắn trước việc này.
Để rõ hơn về sự việc này, PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Ân và được ông thừa nhận: “Sự việc đào bới đất rừng có xảy ra trên địa bàn xã. Tuy nhiên, xã đã có lập biên bản sự việc và báo cáo về huyện rồi”.
Khi PV đặt vấn đề trường hợp của ông Vũ ủy quyền cho người em trực tiếp quản lý phần đất do ông đứng tên sở hữu có dấu hiệu lách luật không? Vấn đề này ông Nam cho hay: “Lách gì thì tôi không biết, nhưng ông Vũ đã ủy quyền cho em ông ấy làm. Chúng tôi đã lập biên bản đào bới đất rừng, biên bản VPHC và xử phạt đều là tên của em ông Vũ. Chứ nếu là tên ông Vũ thì cơ quan đã xử kỷ luật rồi. Không riêng gì trường hợp ông Vũ, nhiều trường hợp khác chúng tôi đã xử phạt đúng quy định. Làm sai thì chúng tôi phạt”.
Theo lời ông Nam nói, khi lập biên bản thì cán bộ buộc hộ vi phạm phải trả lại nguyên trạng ban đầu. Còn nếu, hộ đó tiếp tục vi phạm nữa thì báo cáo về trên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng đào bới đất rừng ở Tân Ân vẫn đang diễn ra.
Phải chăng, chính quyền xã Tân Ân cố tình bao che cho cán bộ vi phạm? Bởi theo ông Nam, trong số những hộ dân vi phạm, có trường hợp của ông Vũ nhưng ông này lại ủy quyền cho người em làm thay.