Cà Mau: Diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng nhanh, dịch bệnh diễn biến phức tạp
Kiểm điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, ngày 30-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hội nghị thường kỳ UBND tỉnh tháng 5-2014 dành phần lớn thời gian nghe các địa phương, các sở, ngành cấp tỉnh nêu lên những khó khăn, trở ngại đang gặp phải trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nhiều vào tình hình phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, thiên tai, thu - chi ngân sách, tiến độ triển khai các dự án, công trình...
Thông tin tại Hội nghị, ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp (NTCN) liên tiếp tăng nhanh, tăng thêm 1.743ha so với cuối năm 2013, vượt 735ha so với kế hoạch, đưa diện tích NTCN toàn tỉnh lên 7.735ha. Cùng với đó, dịch bệnh trong tháng 5 đang có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp với 114ha bị nhiễm bệnh, tăng 54ha so với tháng 4, đưa diện tích thiệt hại do dịch bệnh từ đầu năm đến nay lên 361ha. Đa phần người NTCN với đối tượng thẻ chân trắng, chiếm trên 70% diện tích. Hiện nay, giá tôm nguyên liệu thẻ chân trắng tiếp tục giảm mạnh do nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động trong và ngoài nước. Đây là những yếu tố bất lợi dẫn đến sản lượng thủy sản đến thời điểm này tăng không xứng với diện tích hiện có.
Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho biết trong 870ha đang thả nuôi của 1.486ha diện tích NTCN hiện có trên địa bàn huyện, thì có đến 690ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi tôm sú chỉ chiếm 20% diện tích đang thả nuôi.
Đối với huyện Phú Tân, ông Trần Hữu Phước, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong 1.857,5ha NTCN trên địa bàn thì có trên 72% diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng với 1.300ha. Thông tin tại Hội nghị, ông Phước cho biết diện tích thiệt hại do dịch bệnh trên địa bàn là khá cao khi có đến 340ha và cho rằng khả năng còn cao hơn, địa phương đang cho rà soát, đánh giá lại con số cụ thể.
Về vấn đề này, trước đây trên Báo ảnh Đất Mũi đã có bài viết dự báo khi mà hạ tầng phục vụ nghề nuôi chưa đảm bảo, trong khi đó diện tích thả nuôi lại tăng nhanh, môi trường tất yếu sẽ bị ảnh hưởng, tác động nguy hại đến nghề nuôi là điều khó tránh khỏi.
Khuyến cáo người nuôi tôm nên ưu tiên vào đối tượng tôm sú, nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến vì ít dịch bệnh, thị trường ổn định, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Cà Mau, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Văn Sử dự báo khả năng diện tích nuôi tôm sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những tháng cuối năm, thế nên cần tăng cường thông tin thị trường một cách kịp thời, đến tận người sản xuất để có những giải pháp, lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp theo nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Vẫn là kiến nghị nhằm đảm bảo nguồn điện phục vụ trong NTCN từ các địa phương, ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện có 571 trạm biến áp tại các vùng nuôi tôm đang quá tải, cần thiết phải nâng cấp dung lượng với tổng nguồn kinh phí dự kiến 58 tỷ đồng. Ngành sẽ lựa chọn ưu tiên nâng cấp 204 trạm biến áp với số vốn khoảng 22 tỷ đồng tại huyện Cái Nước và Phú Tân.
Theo phản ảnh của người sản xuất tại các địa phương, đặc biệt đối với nghề nuôi trồng thủy sản, dù công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tuy nhiên tình trạng xả thải tại một số khu công nghiệp, nơi công cộng, các tuyến kênh rạch… chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Điều đáng lên án, vì lợi ích trước mắt mà một số doanh nghiệp không vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, gây bức xúc trong nhân dân vì ảnh hưởng đến sản xuất địa phương, làm ô nhiễm môi trường sinh thái, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, mầm mống gây nên dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp theo sự chỉ đạo, điều hành trong phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của UBND tỉnh, Hội nghị đề ra 12 nhiệm vụ công tác trọng tâm tập trung thực hiện trong tháng 6. Trong đó, tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm tạo ra lượng lớn hàng hóa thị trường có tính cạnh tranh cao, cải thiện môi trường sản xuất, nâng cao mức sống người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn liền với điều kiện sản xuất và đặc thù kinh tế Cà Mau gắn với mục tiêu năng suất - chất lượng - hiệu quả.