Cà Mau: Được mùa lúa - tôm
Những năm qua, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, đang mùa thu hoạch lúa, bà con rất phấn khởi vì vừa được mùa lại được giá.
Gia đình anh Phạm Văn Xiếu, Ấp 5, xã Trí Lực là một trong những hộ có diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm lớn nhất xã, với hơn 3 ha. Anh Xiếu cho biết, năm nay, gia đình được tỉnh, huyện đầu tư chuyển giao sản xuất lúa giống ST20 và đã thu hoạch xong; năng suất lúa đạt trên 35 giạ/công, tương đương 5 tấn/ha. Với giá lúa 6.500 đồng/kg, ước tính vụ lúa này, trừ chi phí gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng.
Người dân Trí Lực vui mừng vì giống lúa ST20 bán có giá, thời gian gieo trồng ngắn, kịp mùa vụ thả nuôi tôm sú. Các giống lúa thuần chủng tại địa phương có nhược điểm là chín muộn, năng suất thấp (trúng lắm cũng chỉ được 25 giạ/công), nhiều hộ quyết định chọn giống ST20 để sản xuất những vụ sau.
Bà Nguyễn Thị Điệp, Ấp 5, xã Trí Lực, phấn khởi cho biết, các cấp, các ngành cùng chính quyền xã Trí Lực tạo điều kiện hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, lúa giống ST20 sản xuất thí điểm trên phần đất gia đình, với diện tích gần 15 công. Năm nay, gia đình thu hoạch được hơn 500 giạ lúa, thu nhập hơn 60 triệu đồng. Cái được trong sản xuất vụ lúa này nữa là không tốn thêm chi phí phun xịt thuốc trừ sâu hay thuốc dưỡng hạt mà lúa vẫn phát triển tốt, chắc hạt và được thương lái mua với giá cao nhất so với những mùa vụ gần đây.
Bà Nguyễn Thị Liễu, cùng Ấp 5, cho biết: "Sản xuất lúa ST20 ở vùng đất này đảm bảo 100% là lúa sạch vì bón phân đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; lúa không bị sâu bệnh. Chỉ chăm sóc, cải tạo và sạ lúa đúng lịch thời vụ, bơm nước khô đầm trước khi thu hoạch là lúa đẹp, thương lái mua giá cao".
Anh Nguyễn Văn Nguyễn, thương lái thu mua lúa tại xã Trí Lực, cho hay: "Toàn xã Trí Lực có hơn 300 ha lúa sản xuất giống ST20. Trong mùa vụ này, chúng tôi đã đưa tiền trước với giá 6.500 đồng/kg lúa tươi, cao hơn các thương lái ngoài tỉnh đến thu mua từ 400-500 đồng/kg nên bà con phấn khởi nhận tiền và thống nhất bán cho chúng tôi. Riêng đối với các loại giống lúa thường, lúa truyền thống tại địa phương, chúng tôi chỉ mua với giá 5.500-5.700 đồng/kg".
Ông Huỳnh Văn Hôn, Trưởng Ấp 5, xã Trí Lực, thông tin: Vụ mùa vừa qua, nông dân Ấp 5 được ngành chức năng tỉnh quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật. Phòng NN&PTNT huyện triển khai điểm trình diễn sản xuất nên người dân rất đồng tình. Bên cạnh đó, diện tích lúa trồng trên đất nuôi tôm được người dân thực hiện đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình nên sâu bệnh không xảy ra. Khuôn bao cơ bản, lúa không ngập úng, không thiệt hại, điều này dẫn đến năng suất, sản lượng lúa tăng, nông dân trúng mùa, trúng giá.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết: Mùa mưa năm 2017 đến sớm, thuận lợi cho cải tạo ao đầm, các diện tích lúa cấy, thẩy và sạ trên đất nuôi tôm trong huyện Thới Bình đều phát triển tốt, không bị thiệt hại.
Kết quả, toàn huyện Thới Bình có trên 19.000 ha lúa được gieo trồng trên đất nuôi tôm. Trong đó có trên 1.000 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Biển Bạch Đông, Trí Lực và xã Tân Bằng; tổng sản lượng lúa của huyện năm nay ước đạt hơn 85.000 tấn, trong đó, năng suất lúa cấy trên đất nuôi tôm tăng từ 10-20% so cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, phong trào trồng lúa trên đất nuôi tôm ở Thới Bình ngày càng phát triển, theo đó, các chính sách hỗ trợ lúa giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng hạt lúa cho người dân được ngành chức năng quan tâm. Người dân cũng nâng dần ý thức chuyển sang quy trình chăm sóc lúa kỹ lưỡng theo quy định của ngành chức năng để cung cấp cho thị trường các loại lúa hàng hoá chất lượng và được giá.