TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Hỗ trợ nông dân phát triển bền vững

Thu hoạch sò huyết kết hợp với nuôi tôm tại hộ anh Trần Văn An, xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Trung Đỉnh

Tính từ năm 2014 đến nay, ngân sách Nhà nước cấp cho Hội Nông dân tỉnh quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân 4 tỷ đồng, giải quyết cho 223 hội viên nông dân vay thực hiện 17 dự án.

Ngoài ra, trong 2 năm (2015 và 2016), ngân sách huyện cấp cho Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 1,8 tỷ đồng, cho 217 hộ hội viên nông dân vay thực hiện 20 dự án như nuôi dê, trồng màu, nuôi sò huyết, nuôi tôm quảng canh cải tiến… Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam uỷ thác cho Hội Nông dân tỉnh quản lý 4,4 tỷ đồng, giải ngân 13 dự án, cho 251 hộ hội viên nông dân vay.

Hiện nay, toàn tỉnh có 75 dự án, 955 hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Các dự án không chỉ mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, mà còn dần hình thành việc liên kết, hợp tác để mở rộng sản xuất, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân là điểm tựa cho nhiều hộ nông dân đầu tư, xây dựng, liên kết và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể; thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao giá trị hàng hoá và tăng thu nhập cho nông dân.

Thông qua các mô hình, dự án từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, hội viên, nông dân từ làm ăn nhỏ lẻ đã biết liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá, sản phẩm nâng cao chất lượng. Thu nhập bình quân của hội viên nông dân trong tỉnh trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Từ hộ nghèo, thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, gia đình anh Trần Văn An, xã Trần Thới, huyện Cái Nước được vay 10 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân vào đầu năm 2015. Anh An chia sẻ, đây chính là nguồn vốn hỗ trợ quan trọng để gia đình anh vươn lên, có cuộc sống ổn định hơn. Từ nguồn vốn này, gia đình anh đầu tư cải tạo ao đầm, mua sò huyết thả nuôi. Với sự tư vấn, giúp đỡ thường xuyên về kỹ thuật của các cấp hội nông dân, việc chăn nuôi của gia đình ngày càng phát triển ổn định, thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng. Đến nay không những anh trả dứt vốn vay mà còn vươn lên trở thành hộ có thu nhập ổn định tại địa phương.

Ông Phan Thanh Sơn, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, cho biết, từ khi vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông đầu tư cải tạo ao đầm, thả con giống, áp dụng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Qua 2 vụ nuôi đều cho thu hoạch cao, cuộc sống gia đình ông đang dần khá giả. Ông Sơn mong muốn ngày càng có nhiều hội viên nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay này.

Thông qua các mô hình kinh tế được xây dựng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, các hội viên nông dân không chỉ có thêm kiến thức và tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi mà quan trọng hơn từng bước liên kết, hình thành được những tổ, nhóm, mô hình phát triển kinh tế tại cơ sở để duy trì sinh hoạt cũng như trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Bên cạnh đó, sau khi triển khai các mô hình kinh tế, Hội Nông dân tỉnh còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên; kiểm tra, giám sát và tư vấn cho hội viên sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn.

Nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân hiện nay rất lớn, trong khi nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp còn hạn chế. Để nguồn quỹ này phát huy hiệu quả hơn nữa, các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư ngân sách mở rộng nguồn vốn, đồng thời vận động hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ xây dựng quỹ nhằm huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, hướng đến sản xuất phát triển, bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cà Mau Ngô Minh Chiến khẳng định: "Những năm qua, cùng với các chương trình, chính sách, các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp nhiều hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo hiệu quả và bền vững".

 

Trung Đỉnh Báo Cà Mau