Cà Mau: Liên kết “bốn nhà” phát triển nuôi tôm công nghiệp
Trong liên kết “bốn nhà” phải xác định vai trò chủ thể của nông dân. Nhà nước phải giữ vai trò là “nhạc trưởng”, là nhân tố xúc tác đảm bảo sự liên kết giữa nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.
Bằng các chính sách hỗ trợ hợp lý và có lợi cho nông dân: Trợ vốn, đầu tư ngân sách cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng nông thôn; xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản… bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích của các nhà, trong đó lợi nhuận phải thuộc về nhà nông. Có vậy nông dân mới làm giàu cho bản thân và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Đầm Dơi là huyện có diện tích nuôi tôm lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Qua ba năm triển khai thực hiện đề án tôm - lúa, đã có sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, sản lượng, chất lượng. So với năm 2008, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 53%, trong đó tôm nuôi tăng gần 31%, vượt 10% so với mục tiêu đề án. Thu nhập bình quân đầu người tăng 83%. Tính đến thời điểm hiện nay, Đầm Dơi có diện tích nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên 2.200ha, tăng 1.448ha; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến là 7.500ha, tăng hơn 7.000ha. Năng suất nuôi tôm công nghiệp đạt 6 tấn/ha, tăng 600kg; tôm quảng canh cải tiến đạt 600kg/ha, tăng 150kg, tăng gấp 2 lần so với mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống.
Huyện Đầm Dơi đã xây dựng được 45 mô hình sản xuất chuyên tôm với diện tích 48ha (trong đó có 13 mô hình NTCN, 17 mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và 11 mô hình nuôi tôm sinh thái, còn lại là mô hình nuôi tôm kết hợp). Mục tiêu đến năm 2015, toàn huyện Đầm Dơi có năng suất tôm đạt 30%, tăng 10% so với năm 2012.
Cà Mau có tiềm năng về thủy sản, đặc biệt là thế mạnh trong nuôi tôm. Tuy nhiên, gần đây có gần 400ha tôm bị bệnh, nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do dịch bệnh, tôm bị nhiễm độc. Công ty TNHH Công nghệ Tin học Minh Khôi đã mạnh dạn “mang” công nghệ nano ứng dụng vào NTCN về Cà Mau. Hiện nay, một số địa phương trong huyện Đầm Dơi: Tạ An Khương, Trần Phán và thị trấn Cái Đôi Vàm của huyện Phú Tân đã nuôi thí điểm mô hình này và bước đầu mang lại hiệu quả khá. Trên đà đó, Công ty đang tích cực giúp nông dân trong tỉnh tiếp cận với cách nuôi tôm khá mới mẻ này, thông qua các cuộc hội thảo.
Ông Lâm Văn Khiếm, Chủ nhiệm HTX NTCN Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi: “Biết được thông tin mới về công nghệ nuôi tôm nano, đa phần xã viên đều rất phấn khởi nhưng tất cả vẫn còn bỡ ngỡ, bởi người dân chưa thật hiểu và chưa dám áp dụng công nghệ này”.
Một thông tin vui là về phía Công ty TNHH Kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt đến thời điểm hiện nay đã tiêu thụ trên 10.000 tấn tôm nguyên liệu. Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Quốc Việt thông tin, trong những tháng cuối năm, Công ty sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến tôm với công suất hoạt động 20.000 tấn/năm, theo tiêu chuẩn sản xuất tôm “sạch”, không tạp chất. Công ty sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm Cà Mau.
Về phía Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Cà Mau, đến nay đã bồi thường cho 11 hộ nuôi tôm bị thiệt hại, với tổng số tiền trên 507 triệu đồng. Các hộ nuôi tôm thiệt hại còn lại, Bảo Minh đang tiến hành các thủ tục để bồi thường trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Luân, Bí thư Huyện ủy Đầm Dơi: “Trong thời gian tới, lãnh đạo huyện sẽ phát huy vai trò là trung gian nhằm kết nối giữa các “nhà” lại với nhau. Về phía các đơn vị có liên quan phải đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến tận tay người dân, quan trọng là tạo được niềm tin cho người nuôi tôm tại các xã thí điểm. Các “nhà” trong hoạt động liên kết này phải chủ động ngồi lại với nhau để bàn giải pháp, tất cả vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững diện tích NTCN của huyện Đầm Dơi cũng như tỉnh Cà Mau”.