Cà Mau: “Lồng ghép đề án lúa, tôm vào 6 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp”
Đó là nội dung quan trọng được đại biểu đóng góp nhiều, tại lễ tổng kết “Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa giai đoạn 2009 - 2015”, do Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức vào chiều 18/8. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đến dự.
Với tiềm năng và lợi thế cả hai lĩnh vực nuôi tôm và trồng lúa: 298.000ha nuôi trồng thủy sản, trên 92.000ha đất sản xuất lúa; cơ cấu mùa vụ phong phú, nguồn nhân lực dồi dào… nhìn chung Cà Mau không phải là tỉnh thuần nông nhưng rất có lợi thế về lĩnh vực này.
Từ năm 2009, tỉnh bắt đầu thực hiện Đề án; chặng đường hơn 7 năm qua với nhiều khó khăn, vướng mắc, song với tinh thần kỳ quyết của cả hệ thống chính trị, kết quả đạt được khá khả quan.
Đến năm 2015, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao so với mục tiêu của Đề án đặt ra: Năng suất lúa bình quân 3,65 tấn/ha, tăng lên 4,33 tấn/ha (năm 2014), tăng 19% và đạt 76% so với mục tiêu của Đề án là 25%; năng suất tôm bình quân 356kg/ha, tăng gần 49%. Có gần 50% hộ trồng lúa và nuôi tôm nắm được quy trình, kỹ thuật cơ bản qua các lớp khuyến nông, khuyến ngư bởi lực lượng này đã được tập trung kinh phí đầu tư, nhằm tăng cường năng lực và cơ sở vật chất.
Nhiều mô hình sản xuất lúa giống chất lượng, tôm giống được nhân rộng; mô hình sản xuất tôm, lúa cánh đồng lớn, mô hình nuôi tôm công nghiệp, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, tôm sinh thái… làm bước đột phá cho cả con tôm và cây lúa. Lượng tôm giống sản xuất từ 4,6 tỷ con năm 2009 đã tăng lên 9 tỷ con năm 2015, tăng hơn 15% năm. Chất lượng tôm giống theo đó cũng nâng lên từng bước từ mức khởi đầu là 45% nay tăng lên hơn 60%.
Ở lĩnh vực giống nông nghiệp, vai trò của Trung tâm Giống nông nghiệp ngày càng được khẳng định bằng sự phối hợp với các viện, trường, công ty giống. Mỗi năm có hơn 20 loại giống lúa phù hợp được lựa chọn với các từng tiểu vùng sinh thái được Ban Chỉ đạo đưa vào cơ cấu giống lúa tỉnh Cà Mau.
Nhìn nhận tồn tại của Đề án, nhiều tham luận của đại biểu đã đi sâu khai thác nhiều mô hình bền vững; trong thời gian tới cần lắng nghe tiếng nói từ cơ sở; nâng cao hơn nữa tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện Đề án tôm lúa.
Việc lồng ghép hay triển khai tiếp đề án như thế nào sẽ được ngành Nông nghiệp tỉnh tính toán, cân nhắc và triển khai đến cơ sở thời gian tới.
Dịp này, có 5 tập thể, 10 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 29 cá nhân được nhận Giấy khen của Sở NN&PTNT.