TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Nhiều bức xúc mùa sên vuông

Ô chứa bùn phục vụ cho hoạt động sên vét nhỏ mang tính hình thức thế này là một trong những nguyên nhân khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng hơn trong mùa sên vét. Bài và ảnh: Nguyễn Phú

Mặc dù tỉnh rất quan tâm và có nhiều quyết định, quy định thời gian, cách thức cho hoạt động sên vét ao đầm nuôi tôm... Song, năm nào cũng vậy, đến thời điểm này lại xảy ra mâu thuẫn trong dân, người thuận, người lại không đồng tình về chuyện vên vét ao đầm.

Hiện đang bước vào cao điểm mùa sên vét ao đầm nuôi tôm của người dân một số huyện phía Nam Cà Mau. Trong con nước xổ tôm đầu tháng 9 vừa qua, gia đình bà Nghị Thị Lệ, ấp Tân Phước, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi gần như không thu hoạch được gì từ 2 ha tôm nuôi quảng canh truyền thống. Bà Lệ cho biết, năm nào cũng vậy, tới mùa này là nước dưới sông đục kẹo. Do sơ ý bà lấy nước vào chuẩn bị xổ thì tôm, cua có hiện tượng chết rải rác nên đóng cống luôn.

Người lớn thì lo lắng cho thu nhập sụt giảm nhưng những đứa trẻ nơi đây (khoảng 14-15 tuổi) lại có vẻ chờ đợi mùa này. Theo lời anh Nguyễn Văn Cường, ấp Tân Phước: "Tụi nó chờ là phải, vì mùa sên năm ngoái (năm 2015) vô mánh".

Theo lời kể của anh Cường, năm trước cũng vào cao điểm mùa sên vuông, khi đến con nước ròng, dưới kinh nước sình đặc kẹo, cá cua không chịu nổi phải trườn lên mé, một đêm có người bắt được cả chục ký các loại. "Nên năm nay mấy đứa nó hy vọng sẽ "vô mánh" như năm trước, và với tình hình này, viễn cảnh đó có thể lặp lại".

Hoạt động sên vét ao đầm trong nuôi tôm được thực hiện theo Quyết định số 24/QÐ-UBND ngày 3/10/2014 của UBND tỉnh có sửa đổi, bổ sung. Theo quy định, thời gian sên vét đất, bùn trong nuôi trồng thuỷ sản được thực hiện quanh năm nhưng không được để bùn, đất, chất thải tràn gây ô nhiễm môi trường. Còn đối với sên vét ao, đầm bằng máy khoan hút bùn, chỉ được thực hiện trong tháng 9 và 10 hằng năm, bắt buộc phải có khu chứa bùn thải và các chất thải phù hợp và không bị rò rỉ ra bên ngoài. Ðược biết, trước đó, UBND tỉnh đã ban hành ít nhất 5 quyết định trong việc quản lý hoạt động sên, vét cải tạo ao, đầm nuôi thuỷ sản.

Thế nhưng, đến nay tình hình sên vét vẫn diễn ra phức tạp. Việc sên, vét ao đầm xả thải trực tiếp ra sông, rạch vẫn còn diễn ra. Câu chuyện bức xúc do hoạt động sên vét ao đầm không chỉ diễn ra trên địa bàn huyện Ðầm Dơi mà mới đây, chuyện này cũng được chính quyền địa phương 2 xã Hoà Tân và Hoà Thành, TP Cà Mau kiến nghị nhân chuyến khảo sát thực tế của Phó Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Ðằng trung tuần tháng 8 vừa qua.

Các địa phương kiến nghị cần có lịch sên vét phù hợp hơn và chế tài nặng hơn đối với những hộ dân còn thiếu ý thức, không tuân thủ lịch sên vét cũng như cố tình xả bùn ra sông, kinh rạch. Cơ chế quản lý trong hoạt động này là không thiếu nhưng tình trạng bức xúc và mâu thuẫn trong dân mỗi khi đến giai đoạn này năm nào cũng tiếp diễn. Ðặc biệt là giữa các hộ nuôi tôm công nghiệp tự phát và những hộ nuôi quảng canh truyền thống.

Trước kiến nghị của địa phương, kết thúc chuyến khảo sát thực tế, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Ðằng chỉ đạo các địa phương lân cận phải xây dựng lịch sên vét hài hoà giữa các xã và các loại hình nuôi trồng. Ðồng thời, các ngành chức năng tiến hành rà soát để xây dựng lịch sên vét hằng năm sao cho phù hợp nhất cũng như cơ chế trong quản lý đảm bảo môi trường ổn định, bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hoạt động sên vét ao đầm trồng nuôi thuỷ sản, đặc biệt đối với con tôm sau một vụ nuôi là nhu cầu gần như bắt buộc để có những vụ nuôi tiếp theo thành công. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng ô nhiễm, thành công của người này mà không là thiệt hại của người khác, ngoài cơ chế quản lý của Nhà nước, quan trọng nhất hiện nay chính là ý thức của người dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Phú Báo Cà Mau, 17/09/2016