TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Nuôi tôm quảng canh cải tiến ở Thới Bình cần bước đột phá

Nông dân tổ hợp tác sản xuất ấp Sông Cái, xã Biển Bạch Đông, cải tạo đất để nuôi tôm quảng canh cải tiến. LIÊU HỎN

Vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thới Bình kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, tổ chức 3 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cho gần 300 hộ nông dân trên địa bàn các xã: Tân Lộc Đông, Hồ Thị Kỷ và thị trấn Thới Bình. Qua đó, nhằm giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp cận những mô hình tuy không mới nhưng đã đem lại hiệu quả bước đầu.

Nhiều bà con nông dân tham dự hội thảo cho rằng, nếu áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật trong nuôi tôm quảng canh cải tiến thì khả năng thành công rất cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thiếu vốn. Không ít nông dân dù được trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến nhưng họ vẫn quay lại làm theo tập quán canh tác cũ, vì sợ rủi ro, bởi vốn đầu tư ban đầu không nhỏ. Rõ ràng, đồng vốn, con giống và khoa học - kỹ thuật cần được trang bị một cách đồng bộ thì người nông dân mới có thể từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác để áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Những hộ thí điểm thành công trên diện tích từ 1 - 1,5ha áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm quảng cảnh cải tiến cho năng suất cao, chia sẻ kinh nghiệm từ khâu thiết kế đầm nuôi, ao lắng, mật độ tôm nuôi, cách chọn giống, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch. Đây là hình thức nuôi tôm với mật độ cao hơn nuôi quảng canh bình thường. Trong quá trình nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học và bổ sung thức ăn cho tôm nuôi. Qua tổng kết, trừ các khoản chi phí, nông dân đạt lợi nhuận từ 40 - 100 triệu đồng/vụ/ha. Ông Huỳnh Văn sinh, ở Ấp 5, xã Tân Lộc Đông, chia sẻ kinh nghiệm, tháng đầu tôm sẽ tìm thức ăn tự nhiên, qua tháng thứ hai tiến hành cho tôm ăn bổ sung bằng thức ăn công nghiệp, lượng thức ăn từ 3 - 5% trọng lượng đàn tôm. Đồng thời, kiểm tra các yếu tố về môi trường: Độ pH, độ mặn và độ trong của nước theo thời gian định kỳ và phải thường xuyên kiểm tra trạng thái bơi lội của tôm để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra.

Để phát triển mô hình này trên địa bàn thị trấn Thới Bình thời gian tới, ông Phạm Công Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thới Bình, hy vọng các cấp, các ngành sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, nhằm tạo ra hướng đi mới, tích cực hơn, giúp bà con nông dân có điều kiện nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, trong đó có nuôi tôm quảng canh cải tiến, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân.
Không cần quá nhiều vốn như nuôi tôm công nghiệp và rủi ro thấp là những ưu điểm của nuôi tôm quảng canh cải tiến. Sau một thời gian áp dụng thành công, mô hình này đang được ngành chức năng huyện Thới Bình đẩy mạnh nhân rộng, ông Lê Bình Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết.

Toàn huyện hiện có hơn 25 ngàn ha đất canh tác lúa tôm và gần 20 ngàn ha đất chuyên nuôi tôm. Việc nuôi tôm ở Thới Bình chủ yếu là nuôi tôm sú theo phương pháp truyền thống nên thu nhập của người dân chưa cao. Hiện, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đang phát triển khá mạnh, khoảng 200ha. Với tiềm lực kinh tế cũng như sự hiểu biết về khoa học - kỹ thuật hiện nay của nông dân, nuôi tôm quảng canh cải tiến có thể xem là bước đệm cho mục tiêu phát triển của Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa ở Thới Bình đến năm 2015.

LIÊU HỎN Báo Đất Mũi