Cà Mau: Phấn đấu đạt sản lượng 170 nghìn tấn tôm
Năm 2017, mục tiêu ngành thủy sản Cà Mau đặt ra là tổng diện tích nuôi tôm 278.000 ha, với sản lượng tôm nuôi 170 nghìn tấn, năng suất bình quân 612 kg/ha/năm.
Năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp nói chung và và nuôi tôm nói riêng do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại các tỉnh ĐBSCL trong những tháng đầu năm. Tình hình hạn, xâm nhập mặn đã làm cho tôm nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu là ba tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất. Riêng Cà Mau diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng 155.890 ha. Bên cạnh đó, chất lượng, giá cả các yếu tố đầu vào không ổn định; hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, ơ quan quản lý, chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, người nuôi với các giải pháp phù hợp đã đưa ngành tôm của Cà Mau đạt kết quả rất ấn tượng.
Năm 2016, tổng diện tích thả nuôi thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt trên 300 nghìn ha tăng 0,56% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích thả nuôi nuôi tôm nước lợ đạt 278 nghìn ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 282 nghìn tấn, trong đó tôm đạt 146 nghìn tấn tương đương so cùng kỳ; năng suất tôm nuôi bình quân 521kg/ha/năm. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau có 34 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với công suất 150.000 tấn thành phẩm/năm. Trong năm 2016 Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 1 tỷ USD.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngành thủy sản tỉnh Cà Mau phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức thì đây cũng là cơ hội cho phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh, nếu phát huy khai thác tốt các lợi thế. Mở rộng thêm diện tích nuôi thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm.
Đây sẽ là điều kiện rất tốt để ngành thủy sản của tỉnh Cà Mau tận dụng thế mạnh, phát huy sản xuất dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng nếu có đủ điều kiện cần thiết cùng với hướng đi thích hợp.
Năm 2017, mục tiêu của ngành thủy sản Cà Mau đặt ra là tổng diện tích nuôi tôm 278.000 ha, trong đó: Diện tích nuôi tôm QCCT 100 nghìn ha; diện tích tôm công nghiệp 10,5 nghìn ha; tôm - lúa 52 nghìn ha; tôm - rừng 35 nghìn ha; tôm quảng canh kết hợp khoảng 80 nghìn ha. Sản lượng tôm nuôi 170 nghìn tấn, năng suất bình quân 612 kg/ha/năm.
Với mục tiêu trên ngành thủy sản Cà Mau sẽ chú trọng phát triển các loại hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao và tận dụng được tiềm năng lợi thế của tỉnh. Theo đó, chú trọng duy trì diện tích nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh đã có, tiến tới mở rộng dần diện tích nhưng quá trình thực hiện phải đảm bảo hài hòa và bền vững gắn sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh từ quảng canh truyền thống sang nuôi QCCT để tăng năng suất nuôi, kiểm soát chất lượng, môi trường, hạn chế dịch bệnh. Trong những năm qua, mô hình nuôi tôm – lúa mang tính chất đặc trưng của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, đã mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là diện tích trồng lúa đã bị nhiễm mặn và chỉ trồng lúa được một vụ trong mùa mưa, một vụ còn lại nuôi tôm. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong những năm qua và sẽ tiếp tục được nhân rộng.
Mặt khác, để phát triển theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường. Phát triển loại hình nuôi tôm - rừng góp phần tăng thu nhập và phát triển kinh tế ở những vùng ven biển. Ngoài ra, loại hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh ít tác động đến môi trường và suất đầu tư thấp nhất cũng được chú trọng phát triển.