TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Ứng dụng UV vào nuôi tôm

Thầy Nguyễn Việt Bắc hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm. Phùng Ngọc Trầm

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng Ozon và đèn UV trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng quy mô nông hộ tại Cà Mau” của Nguyễn Việt Bắc, 32 tuổi, giảng viên Khoa Nuôi trồng thuỷ sản, trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau có nhiều ứng dụng hữu ích trong thực tế.

Đề tài góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tránh tình trạng ô nhiễm môi trường cho những hộ nuôi tôm siêu thâm canh.

Những năm qua, người nuôi tôm ở Cà Mau gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững quy trình nuôi hoặc lạm dụng thuốc, hoá chất cộng với thời tiết bất lợi dẫn đến tôm nuôi bị thiệt hại lớn. Từ đó, nhiều hộ đã áp dụng công nghệ cao vào mô hình nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng. 

Tiết kiệm cho nông dân 

Thiết thực với thực tế địa phương, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng Ozon và đèn UV trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng quy mô nông hộ tại Cà Mau” là 1 trong 9 đề tài được UBND tỉnh phê duyệt ý tưởng vào tháng 2/2018. Trước đó, thầy Nguyễn Việt Bắc đã chế tạo thành công máy diệt khuẩn UV (tia cực tím) và ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả cao cho các hộ dân ở huyện Đầm Dơi, Thới Bình và TP Cà Mau…

Thầy Nguyễn Việt Bắc cho biết: “Ý tưởng chế tạo máy diệt khuẩn UV xuất phát từ việc tôi nhận thấy trong nhiều hệ thống như xử lý nước lọc, xử lý nước ở trại giống... người ta thường cho nguồn nước hoặc nguồn không khí đó qua tia UV nhiều lần để diệt khuẩn. Từ đó, tôi nung nấu ý định chế tạo máy diệt khuẩn sử dụng trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng. Vì hiện nay mô hình này được bà con Cà Mau thực hiện với diện tích tương đối lớn”.

Rút kinh nghiệm từ nhiều lần chế tạo không như ý muốn, cuối cùng thầy Bắc cho ra đời máy diệt khuẩn UV khá chuẩn. Cấu tạo của máy diệt khuẩn UV gồm 12 bóng đèn UV, có khả năng diệt đến 99,9% vi khuẩn và vi-rút. Thiết bị xử lý nước UV có thể được sử dụng cho nước giếng và khử trùng nguồn nước bề mặt. Xử lý UV cho chi phí thấp do giảm công lao động. Xử lý nguồn nước nhanh, hiệu quả cao gấp 20.000 lần so với đun sôi. Tuy nhiên, nó đòi hỏi chi phí lắp đặt ban đầu khá cao và kỹ thuật vận hành cao.  

Thầy Nguyễn Việt Bắc cho biết, diện tích ao lắng, ao sẵn sàng trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh chiếm khá lớn (khoảng 50%). Ví dụ, 4 ao nuôi sẽ có 1 ao lắng, trung bình mỗi ngày nông dân phải tốn chi phí cho việc xử lý ao 3 triệu đồng. Nhưng khi lắp đặt, ứng dụng máy diệt khuẩn UV vào sản xuất thì hạn chế tối đa diện tích ao lắng, giảm chi phí đáng kể.

Điểm ưu việt của máy diệt khuẩn UV là tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật khi ở mật độ cao hoặc các vi khuẩn có các hạt bảo vệ chống lại tia cực tím khi chỉ chiếu xạ một vài lần. Khi lưu tốc và cường độ chiếu xạ hợp lý, tia UV có thể tiêu diệt 99,9999% vi sinh vật qua nó, bằng phương pháp phá vỡ cấu trúc AND của vi sinh vật. Đèn UV luôn được lắp đặt hệ thống bảo vệ sức khoẻ con người, chúng được che chắn để hạn chế tối đa ánh sáng cực tím tiếp xúc trực tiếp với người nên vận hành rất an toàn. 

Hết lòng vì cộng đồng 

Sau khoảng thời gian ứng dụng máy diệt khuẩn UV vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, hiện nay, ngoài giờ lên lớp, thầy Nguyễn Việt Bắc còn cộng tác với nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH tôm giống Aqua one, Công ty TNHH công nghệ UV Best. Ngoài ra, thầy Bắc còn thường xuyên đi tập huấn để chuyển giao kỹ thuật, giúp nhiều hộ nông dân ứng dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh qua các lớp dạy nghề địa phương tổ chức.

Thầy Bắc cho biết thêm: “Quy trình chế tạo máy UV tôi đã giảng dạy trên lớp học. Vì đối với tôi, truyền đạt kiến thức cho sinh viên là niềm hạnh phúc. Thời gian rảnh rỗi, tôi thường đi thực tế nắm tình hình các hộ dân đang ứng dụng máy diệt khuẩn UV vào sản xuất để hỗ trợ họ khi cần thiết. Và tôi cũng nhận lời dạy các lớp nuôi trồng thuỷ sản ở các xã vùng nông thôn nhằm giúp họ đạt lợi nhuận cao nhất”.

Bằng sự đam mê nghề nghiệp, với trách nhiệm là người giảng viên, lòng quyết tâm, không ngại khổ, thầy Bắc bước đầu gặt hái những kết quả tốt đẹp trong quá trình giảng dạy và phát triển kinh tế. Niềm hạnh phúc của thầy giáo trẻ này sẽ được nhân lên khi nhận bằng tiến sĩ trong thời gian tới.

Phùng Ngọc Trầm Báo Cà Mau