TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Vùng nuôi tôm sinh thái đang bị đe doạ

Ao tôm công nghiệp của ông Tạ Phú Muội, ấp Kênh Ráng, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển Bài và ảnh : Đặng Duẩn

Một trong 6 kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, trong đó có việc phát triển ngành hàng tôm sinh thái. huyện ngọc hiển là một trong những địa phương được chủ trương phát triển ngành hàng này với quy mô lớn.

Tuy nhiên, việc phát triển nuôi tôm công nghiệp tự phát thời gian gần đây trong điều kiện tôm sinh thái vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc đã ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến tôm sinh thái. Thậm chí, ở những vùng quy hoạch hoàn toàn chỉ được nuôi tôm sinh thái, người dân cũng bắt đầu chuyển sang nuôi công nghiệp, trong đó có xã Viên An Ðông.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển là địa bàn được quy hoạch hoàn toàn chỉ phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và tôm sinh thái. Tuy nhiên, mấy năm qua đã phát sinh hộ nuôi tôm công nghiệp ngay trong vùng nuôi tôm sinh thái trên địa bàn 2 ấp Kinh Ranh và Kinh Ráng. Ðiều này gây nhiều bức xúc cho các hộ dân xung quanh dẫn đến việc 40 hộ dân thuộc 2 ấp trên đã gởi đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương và các ngành chức năng để phản đối việc hộ ông Tạ Phú Muội, ấp Kinh Ranh và ông Lê A Til, ấp Kinh Ráng, tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp với quy mô lớn ngay trong vùng quy hoạch tôm sinh thái và quảng canh cải tiến.

Sự việc đã được chính quyền địa phương, Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển làm việc với các hộ nuôi tôm công nghiệp trên, lập biên bản và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, mặc dù đã cam kết không tiếp tục vi phạm nhưng cho đến nay những hộ này vẫn nuôi, gây bức xúc cho các hộ lân cận dẫn đến việc họ gởi đơn khiếu nại khắp nơi.

Ông Quách Anh Tuấn, Trưởng ấp Kinh Ranh, cho biết: “Khi có chủ trương cấm tuyệt đối không được nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã thì người dân rất đồng tình và chấp hành tốt. Nhiều năm nay, người dân nơi đây nuôi tôm theo hình thức rừng - tôm sinh thái đã được chứng nhận và phát triển tốt. Tuy nhiên, từ năm 2013, hộ ông Lê A Til nuôi tôm công nghiệp rồi sau đó đến hộ ông Tạ Phú Muội. Việc này có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, vì khi tôm công nghiệp xảy ra dịch bệnh và họ thải nước ra ngoài. Khi gặp thuỷ triều lên xuống sẽ phát tán ra xung quanh, dân không biết lấy nước vào sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Theo báo cáo xác minh làm rõ đơn yêu cầu của các hộ dân trên của Chi cục Thuỷ sản thì ông Lê A Til thừa nhận đã nuôi tôm công nghiệp từ năm 2013. Thế nhưng, do chính quyền địa phương chưa có ý kiến nên đến năm 2016 ông đã chuyển từ nuôi ao đất sang nuôi ao lót bạt hoàn toàn.

Và cũng trong báo cáo, ông Lê A Til mặc dù đã thừa nhận việc nuôi tôm công nghiệp là không đúng với quy hoạch của địa phương nhưng vẫn khẳng định sẽ tiếp tục nuôi, dù đã ký cam kết là không vi phạm. Cũng tại buổi làm việc với ngành chức năng, ông Tạ Phú Muội trình bày, nếu ngành chức năng không cho nuôi tôm công nghiệp thì không nuôi và đã ký cam kết. Tuy nhiên, ông lại mong muốn ngành chức năng cho phép nuôi 1 vụ trong năm và hiện tại ông vẫn đang tiếp tục cải tạo ao đầm để thả nuôi tôm công nghiệp.

Cần xử lý triệt để

Trong khi ngành chức năng chưa xử lý triệt để những trường hợp vi phạm trên, người dân có cơ sở để lo lắng và bức xúc. Ông Lê Văn Chính, đại diện các hộ dân đứng đơn yêu cầu, nói: “Ða số các hộ dân trên ấp Kinh Ranh, Kinh Ráng, xã Viên An Ðông đều không thống nhất với việc nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã do sợ bị ảnh hưởng của nước thải, ảnh hưởng môi trường nuôi và quan trọng nhất là khả năng ảnh hưởng đến việc chứng nhận nuôi tôm sinh thái trên địa bàn xã".

Huyện Ngọc Hiển là địa phương có diện tích tôm sinh thái lớn nhất của tỉnh đã được chứng nhận với hơn 8.000 ha. Tuy nhiên, nếu tình trạng người dân tự phát nuôi tôm công nghiệp trong vùng quy hoạch nuôi tôm sinh thái không được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và có hình thức xử lý đủ tính răn đe thì nguy cơ vùng tôm sinh thái bị đe doạ và vỡ quy hoạch là có thể xảy ra trong tương lai gần.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển Trương Minh Hoàng cho biết: “Việc người dân nuôi tôm công nghiệp tự phát ngoài vùng quy hoạch thực tế đã diễn ra. Năm 2013 chỉ có khoảng 3,8 ha tôm công nghiệp thì đến năm 2014 là 18 ha và đỉnh điểm là năm 2015 là hơn 76 ha. Toàn huyện hiện nay có hơn 218 ha nuôi tôm công nghiệp”.

Việc bùng phát nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã ít nhiều ảnh hưởng đến những vùng quy hoạch nuôi tôm với các hình thức nuôi khác, trong đó có tôm sinh thái. Ông Hoàng cho biết thêm: “Toàn huyện hiện có hơn 8.000 ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận, định hướng đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.600 ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận. Trong đó, xã Viên An Ðông và xã Ðất Mũi được quy hoạch chỉ nuôi tôm sinh thái. Do đó, chúng tôi đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng xử lý triệt để tình trạng nuôi tôm công nghiệp trái phép xảy ra vừa qua. Ðồng thời qua đó ngăn chặn kịp thời tình trạng người dân tự phát nuôi tôm công nghiệp không đúng quy hoạch”.

Hiện địa bàn ấp Kinh Ranh, xã Viên An Ðông, người dân đã liên kết với các doanh nghiệp thuỷ sản triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái và đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, EU... Nếu như tình trạng người dân tự ý nuôi tôm công nghiệp trong vùng quy hoạch nuôi tôm sinh thái không được xử lý, ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ mất đi vùng tôm sinh thái trên địa bàn huyện Ngọc Hiển là khó tránh khỏi. Và nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì việc con tôm sinh thái của huyện Ngọc Hiển bị rút giấy chứng nhận hoàn toàn có thể xảy ra./.

Bài và ảnh : Đặng Duẩn Báo Cà Mau, 01/12/2016