TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Xây dựng liên kết chuỗi tôm hướng đến hội nhập toàn cầu

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet ĐD

Ngày 6/10, Sở Nông NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) tổ chức đối thoại Xây dựng hợp đồng liên kết chuỗi tôm tỉnh Cà Mau hướng đến hội nhập toàn cầu.

Tham gia hội thảo có đại diện: Sở NN&PTNT, ICAFIS, các đơn vị, tổ chức có liên quan cùng hơn 100 cán bộ, thành viên của các hợp tác xã nuôi tôm. Các đại biểu được nghe giới thiệu về xu thế liên kết chuỗi trong bối cảnh hội nhập toàn cầu; thực trạng chuỗi liên kết giá trị hàng tôm Cà Mau; chương trình hợp tác giới thiệu ngành hàng tôm sinh thái Cà Mau cũng như dự thảo hợp tác giữa Công ty Thanh Đoàn với Hợp tác xã Cái Bát...

Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 300.000 ha, chiếm 27,9% tổng diện tích cả nước và 30% diện tích nuôi trồng thuỷ sản của khu vực ĐBSCL. Năm 2015, Cà Mau có 9.500 ha nuôi tôm công nghiệp, 75.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, với tổng sản lượng 146.000 tấn; giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 36% tổng sản lượng tôm xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, người nuôi tôm tại Cà Mau còn đối mặt với nhiều rủi ro như: dịch bệnh, ô nhiễm môi trường cũng như các rào cản thương mại và hệ thống chứng nhận, trong khi đó sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn còn khá lỏng lẻo. Do đó, nhu cầu liên kết chuỗi tôm để cùng hội nhập là rất cần thiết.

Theo đại diện ICAFIS, để giải quyết những rủi ro, thánh thức đó rất cần xây dựng mô hình “chuỗi liên kết” mà ở đó “doanh nghiệp là hạt nhân thúc đẩy chuỗi” và “hộ dân nuôi tôm là cái đích (tác nhân cần hỗ trợ) hướng tới” nhằm duy trì được cơ chế “chia sẻ lợi ích công bằng trong chuỗi”.

Các đại biểu đều cho rằng, liên kết chuỗi giá trị tôm tại Cà Mau cần hướng đến sản xuất theo các tiêu chuẩn xuất khẩu được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, xu hướng hợp tác giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm là liên kết xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận xuất khẩu của ASC, BAP, Nuturlands, Shelva Shrimp… Cần hợp tác cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra như: hợp tác xây dựng vùng nuôi theo hướng các tiêu chuẩn xuất khẩu: GAP, SEASAIP… cũng như hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho người nuôi tôm.

Hội thảo cũng giới thiệu kế hoạch phát triển chuỗi giá trị ngành tôm sinh thái Cà Mau đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Theo đó, mục tiêu là tổ chức lại sản xuất mô hình nuôi tôm sinh thái theo chuỗi liên kết giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường và góp phần cải thiện sinh kế bền vững cho các hộ nuôi tôm./

ĐD Báo Cà Mau, 06/10/2016