TIN THỦY SẢN

Cả một quá trình sinh sản nhân tạo thành công cá tầm

Thế hệ cá tầm bố mẹ được nuôi thả tại hồ Tuyền Lâm - TP Đà Lạt. LÊ TRỌNG

Cá tầm là một loại cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao. Giá trứng cá tầm trên thị trường hiện đang dao động ở mức từ 700 - 1.000 USD/kg, tùy vào từng loại và chất lượng. Việc cá tầm lần đầu tiên đẻ trứng và sinh sản nhân tạo thành công ở Lâm Đồng được xem là bước đột phá quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học để tiến tới nhân giống loại cá này tại Việt Nam.

Địa điểm nghiên cứu, nuôi thử nghiệm cá tầm Nga và cá tầm Siberia của Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên đặt tại địa bàn thôn K’Long K’Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách TP Đà Lạt chừng 60km về hướng Đông Bắc theo tuyến tỉnh lộ 723 nối phố núi Đà Lạt với thành phố biển Nha Trang. Ở độ cao khoảng 1.700m so với mặt nước biển, nhiệt độ nước tự nhiên dao động từ 15 - 20°C và nhiệt độ không khí cao nhất là 22°C, đây được xem là môi trường phù hợp để cá tầm Nga và cá tầm Siberia sinh trưởng và phát triển.

Hình thành đàn cá bố mẹ

Năm 2006, sau khi nhập trứng cá tầm đã thụ tinh và tiến hành nuôi thử nghiệm tại Lâm Đồng, Th.S Nguyễn Viết Thùy cũng như nhóm nghiên cứu của anh luôn trăn trở và đặc biệt quan tâm, đó chính là việc hình thành đàn cá tầm bố mẹ để tiến tới chủ động cho sinh sản và tự sản xuất nguồn cá giống, phát triển nghề nuôi cá tầm tại Việt Nam. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã bắt tay thực hiện hợp tác “Nghiên cứu phát triển nuôi cá tầm Nga và cá tầm Siberia tại các tỉnh vùng Tây Nguyên”.

Sau 6 năm tập trung đầu tư nghiên cứu, đến nay, Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ NN-PTNT) đã xây dựng được đàn cá hậu bị với hơn 100 cá thể cá tầm Nga và cá tầm Siberia. Thực tế nuôi thử nghiệm tại đây cho thấy tuyến sinh dục của cá tầm phát triển tốt, một số cá thể đã thành thục có thể tiến hành thí nghiệm cho sinh sản nhân tạo. Theo các tài liệu tham khảo, nhiệt độ môi trường nước là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến quá trình sinh trưởng và phát dục của cá tầm.

Nếu như cá tầm Nga trong tự nhiên thành thục ở tuổi từ 8-16, cá cái đẻ trứng ở tuổi từ 13-23 và cá tầm Siberia thành thục ở tuổi từ 10-17, cá cái đẻ trứng ở tuổi từ 12-20, thì cá tầm được nuôi ở Lâm Đồng sinh trưởng nhanh và phát dục sớm hơn nhiều, cá gần 5 tuổi đã có những cá thể thành thục lần đầu. Ngoài ra, thức ăn cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thành thục, chất lượng sản phẩm sinh dục, quá trình đẻ trứng, thụ tinh và tỷ lệ nở của cá tầm. Thức ăn thích hợp để nuôi cá tầm bố mẹ phải có hàm lượng protein trên 40% và hàm lượng lipid không quá 12%.

Sinh sản nhân tạo thành công

Sau một thời gian nuôi thả trong môi trường bán tự nhiên với chế độ chăm sóc đặc biệt, thế hệ cá tầm bố mẹ tại Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên đã… “vượt cạn”. Hàng trăm trứng cá tầm đã được nhóm nghiên cứu cho thụ tinh nhân tạo. Và rồi, những cá thể cá tầm thế hệ đầu tiên cũng đã được sinh sản nhân tạo thành công tại Lâm Đồng.

Để có được thế hệ cá tầm đầu tiên này, trước đó nhóm nghiên cứu đã dành rất nhiều thời gian, công sức cho việc ấp nở, sinh sản nhân tạo của cá. Hàng loạt các biện pháp kỹ thuật với những công đoạn phức tạp đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao như: kỹ thuật siêu âm, kỹ thuật dùng que thăm trứng, kỹ thuật kích thích sinh sản nhân tạo, kỹ thuật thu trứng và thụ tinh, kỹ thuật khử chống dính và ấp trứng cũng đã được áp dụng một cách bài bản và khoa học.

Theo Th.S Thùy, về cơ bản, quy trình sinh sản nhân tạo cá tầm cũng giống như các đối tượng thủy sản và các đối tượng cá nước ngọt truyền thống khác. Tuy nhiên, do điều kiện sinh thái tương đối khác biệt so với cá bản địa nên quy trình sinh sản nhân tạo cá tầm còn thêm một giai đoạn nữa đó là giai đoạn qua đông (làm lạnh) nhân tạo. Quy trình sinh sản nhân tạo cá tầm gồm các bước như: nuôi vỗ cá bố mẹ, cho qua đông nhân tạo, kích thích sinh sản, ấp trứng và ương giống. Nhiệt độ trong quá trình qua đông thường duy trì từ 6-8°C; sau khi kích dục khoảng 32-36 giờ, cá sẽ cho trứng, tiếp theo cho trứng thụ tinh; sau đó là công đoạn ấp trứng, trước khi cho ấp trứng phải khử dính, thời gian ấp trứng duy trì từ 16-17°C, sau 7-8 ngày cá tầm sẽ nở; cá tầm sau khi nở sẽ chuyển qua ương giống.

Cá tầm đã “vượt cạn” là thành công lớn của nhóm nghiên cứu và ngành thủy sản. Mới đây, khi đến thăm Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đánh giá: Thành công lớn nhất đó là đã nghiên cứu được quy trình nuôi vỗ cá tầm thành thục trong điều kiện nhân tạo, đặc biệt là quy trình nuôi cá qua đông để thành thục trứng và cá có thể đẻ tự nhiên. Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN cũng đã thống nhất đầu tư cho các chương trình nghiên cứu tiếp theo về công nghệ đối với sinh sản nhân tạo và nuôi các loài cá nước lạnh, đặc biệt là loại cá tầm, bởi giá trị kinh tế của loài cá này rất cao.

LÊ TRỌNG Báo Sài Gòn Giải Phóng