Cá mú Trân châu đối tượng nuôi mới ở đầm Nại
Nghề nuôi cá mú ở đầm Nại trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể cho người dân nơi đây, nhưng những năm gần đây nghề nuôi vẫn chưa được phát triển, nguyên nhân chính là do: con giống thả nuôi chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên, số lượng không nhiều, nhiều kích cỡ, hình thức nuôi chủ yếu theo kiểu thu tỉa, thả bù.
Với điều kiện không được thuận lợi về con giống, nhưng người dân quanh đầm vẫn cho rằng nghề nuôi cá mú là nghề sẽ phát triển trong tương lai.
Năm 2018, mô hình nuôi cá mú đen chấm đỏ của dự án Nông thôn miền núi do Trung tâm giống hải sản cấp I Ninh Thuận là đơn vị chủ trì. Hiệu quả từ mô hình đã giúp người dân đầm Nại nhận thấy nuôi cá mú là nghề nuôi thủy sản có thể thay thế đối tượng nuôi khác và vươn lên làm giàu. Qua mô hình nuôi cá mú đen chấm đỏ của dự án, các hộ mô hình đã nắm vững được kỹ thuật nuôi, nhất là công tác chăm sóc, quản lý và công tác phòng bệnh cho cá nuôi.
Từ kinh nghiệm nuôi cá mú đen chấm đỏ của mô hình, trong năm 2019, bà con quanh đầm Nại đã nhận thấy cá mú Trân châu là loài cá mú lai, có sức sinh trưởng nhanh và dể chăm sóc, quản lý hơn các loài cá mú khác, chính vì vậy bà con đã tập trung mua giống cá mú trân châu thả nuôi và mô hình nuôi cá mú đã được nhân rộng tại các xã quanh đầm Nại.
Hiện nay, quanh đầm Nại có hơn 25 hộ nuôi cá mú, trong đó 80% hộ thả nuôi cá mú Trân châu, hiện tại cá đang thả nuôi được 5-6 tháng tuổi, cá phát triển nhanh, hứa hẹn một mùa bội thu cho bà con quanh đầm Nại Ninh Thuận