TIN THỦY SẢN

Cá ngừ nuôi Nhật Bản ra mắt thị trường

Nuôi cá ngừ ở Nhật Bản. Ảnh: wsj.com Diệu Thúy (Theo Thefishsite)

Hai công ty thủy sản lớn của Nhật Bản đang lên kế hoạch sớm tung sản phấm cá ngừ vây xanh với chu kỳ nuôi hoàn chỉnh tại Nhật Bản vào thị trường.

Theo Inquirer.net, một trong hai công ty này là công ty Kyokuyo, dự định bắt đầu bán cá ngừ vây xanh trong tháng 11/2017 tới các chuỗi nhà hàng và các gian hàng cá tươi tại các cửa hàng bách hóa trên toàn quốc vào tháng 11 năm nay.

Công ty còn lại, Nippon Suisan Kaisha Ltd, cũng dự định bắt đầu đưa sản phẩm cá ngừ nuôi lần đầu tiên của công ty vào mùa đông này và đã đặt mục tiêu khối lượng tiêu thụ trong năm tài chính 2018 là 500 tấn và 1.000 tấn vào năm 2019.

Ý tưởng bán cá ngừ nuôi bắt đầu từ năm 2015 và đây dự kiến sẽ là xu hướng mới trên thị trường.

Cá ngừ vây xanh là nguyên liệu quan trọng để chế biến các món sushi cao cấp và Nhật Bản tiêu thụ khoảng 80% cá ngừ vây xanh trên thế giới.

Sản lượng cá ngừ vây xanh ở Thái Bình Dương đã giảm xuống khoảng 10% do nạn đánh bắt quá mức.

Tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ hạn ngạch cho phép khai thác hàng năm, do vậy, sản phẩm cá ngừ vây xanh nuôi ngày càng được quan tâm.

Về vấn đề này, một quan chức cấp cao của Cơ quan Nghề cá đã tuyên bố rằng, việc phát triển cá ngừ vây xanh nuôi có thể là một bước tiến mạnh mẽ trong việc bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên.

Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí vẫn là một trở ngại cho việc mở rộng kỹ thuật canh tác vì phải mất 3 năm kể từ khi cá con mới nở đến khi thu hoạch đưa vào thương mại.

Hơn nữa, chỉ có một vài phần trăm cá con mới nở sống sót.

Sự phát triển của công nghệ giúp tăng tỷ lệ sống sót và các yếu tố khác sẽ là chìa khóa cho sự thành công trong ngành.

Giáo sư Isao Sakaguchi thuộc Đại học Gakushuin, chuyên gia về kiểm soát nguồn cá ngừ, vạch ra các mục tiêu cho phép sản xuất đại trà cá ngừ vây xanh.

Theo ông, cần phải xem xét tính bền vững của thức ăn trong nuôi cá ngừ, ví dụ như cá thu và cá sòng Nhật Bản. Điều quan trọng là cần phát triển thức ăn làm từ nguồn thực vật.

Năm 2002, Đại học Kindai trở thành tổ chức đầu tiên trên thế giới thành công trong việc nuôi cá ngừ vây xanh. Trong giai đoạn đầu, trứng lấy từ cá tự nhiên nở và được nuôi dưới sự trợ giúp của con người

Lặp đi lặp lại chu kỳ này giúp loại bỏ tính phụ thuộc vào trứng hoặc cá non từ tự nhiên, làm hạn chế các tác động tiêu cực đến các nguồn lợi thiên nhiên.

Để phân biệt với các phương pháp nuôi truyền thống là cá con bị đánh bắt và sau đó được nuôi đến khi trưởng thành, phương pháp này được gọi là phương pháp nuôi "hoàn chỉnh".

Diệu Thúy (Theo Thefishsite) VASEP