Cả nước có trên 12.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 5, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là trên 12.070 ha, bằng 54% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 2,22% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Trong đó, diện tích tôm nuôi bị bệnh trên 6.936 ha, bằng 45% so với cùng kỳ năm 2014; không xác định nguyên nhân 1.012 ha, còn lại là do biến đổi môi trường, thời tiết.
Sóc Trăng trước đây là điểm nóng tôm nuôi bị thiệt hại trong năm 2014, chiếm trên 50% tổng diện tích bị thiệt hại của cả nước. Do đó, năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan của tỉnh Sóc Trăng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đến nay, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tại tỉnh này chỉ bằng khoảng 55% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó diện tích nuôi tôm bị bệnh chỉ bằng 32%.
Cục Thú y dự báo, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại và bị bệnh đang có chiều hướng tăng mạnh và sẽ tăng cao nhất vào các tháng 6, 7, 8 sau đó giảm dần. Do đó, từ nay đến cuối năm, Cục Thú y tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại Sóc Trăng. Đồng thời, tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm và phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm tại các tỉnh khác, nhất là các tỉnh có diện tích bị thiệt hại lớn như Bạc Liêu.
Cùng với việc tăng cường cho hệ thống thú y cơ sở về công tác thú y thủy sản; tập huấn nâng cao năng lực về bệnh và các biện pháp phòng, chống, Cục Thú y cũng hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất cho mục đích xuất khẩu áp dụng nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh thú y, giám sát dịch bệnh để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cục Thú y cho biết, Cục sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; trước mắt tập trung vào các cơ sở sản xuất tôm giống.
Từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức các hội nghị và ban hành các văn bản chỉ đạo và quán triệt tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ, năm 2015 đã có 45 tỉnh, thành phố có kế hoạch và bố trí kinh phí gần 50 tỷ đồng nên các biện pháp phòng, chống từng bước có hiệu quả.
Đặc biệt, các địa phương chuyển giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho Chi cục Thú y quản lý nên đã từng bước huy động lực lượng và các nguồn lực của thú y trên cạn cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Tuy nhiên, vẫn còn những địa phương chưa thực hiện công tác này như Trà Vinh nên đến thời điểm hiện nay là tỉnh có diện tích thiệt hại lớn nhất cả nước.
Bên cạnh đó, công tác chủ động giám sát dịch bệnh đối với bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy trên tôm nuôi nước lợ đã được ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo và có sự phối hợp với 8 tỉnh là Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng. Kết quả đã phát hiện thức ăn tươi sống như con dời – giun nhiều tơ, hàu, mực… là nguyên nhân dẫn đến các loại mầm bệnh như bệnh hoại tử gan tụy cấp xâm nhiễm vào cơ sở sản xuất tôm giống. Tại Ninh Thuận có đến 90% cơ sở sản xuất tôm giống và khoảng 50% cơ sở tại Bình Thuận có kết quả dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp; các tỉnh nuôi tôm thương phẩm đang tiếp tục giám sát các bệnh này./.