Cá nuôi ở Lễ Thịnh bị nhiễm khuẩn, chết hàng loạt
Cá nuôi ở khu vực cửa biển Lễ Thịnh, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) mắc bệnh và chết kéo dài 2 tháng nay với số lượng lớn, khiến người dân bị thiệt hại nặng. Nguyên nhân cá chết được xác định do vi khuẩn vibrio alginolyticus gây ra.
Thiệt hại nặng nề
Gia đình ông Nguyễn Sanh ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông thả nuôi 10.000 con cá, trong đó 9.000 cá mú và 1.000 cá hồng. Khi cá đạt trọng lượng từ 0,5-1kg/con thì bị bệnh và chết 5.000 con, với các triệu chứng lở loét, xuất huyết, mù mắt. Thấy cá chết nhiều quá, gia đình ông Sanh xuất bán 4.000 con, số cá còn lại tiếp tục nuôi, nhưng vẫn chết lai rai. “Tiền mua cá giống đã 300 triệu đồng (từ 25.000-50.000 đồng/con tùy lớn nhỏ), chi phí thức ăn từ 200.000-300.000 đồng/ngày, nhưng tiền bán cá chỉ thu được khoảng nửa số vốn đã đầu tư”, ông Sanh nói.
Cùng tình cảnh như ông Sanh, gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh nuôi 1.900 con (1.300 con cá mú và 600 con cá hồng), đến nay đã chết gần hết, lỗ nặng. Theo ông Trần Văn Công, Trưởng thôn Phú Lương, không chỉ gia đình ông Sanh, ông Minh, cá mú, cá hồng nuôi của nhiều hộ nuôi khác ở thôn cũng bị chết từ 1.000-3.000 con.
Ông Giáp Văn Thức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Tuy An, cho biết: Thống kê ban đầu trên địa bàn xã An Ninh Đông có khoảng 130 hộ nuôi cá mú, cá hồng với khoảng 124.800 con (tương đương 1.560 lồng). Khoảng 2 tháng nay, môi trường vùng nuôi gần cửa biển Lễ Thịnh không đảm bảo, khiến cá nhiễm bệnh và chết, với số lượng 24.600 con, trong đó 17.470 cá mú, 7.130 cá hồng, trọng lượng từ 0,4-1kg/con. Qua kiểm tra cho thấy cá bệnh là do vi khuẩn vibrio alginolyticus gây ra. Hiện tượng này đã từng xảy ra theo chu kỳ nuôi ở vùng này 2 năm trước đây.
Hậu quả của việc nuôi tự phát
Theo ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên), trung tâm đã cử cán bộ lấy mẫu nước tại vùng nuôi thủy sản thôn Phú Lương để xét nghiệm. Kết quả, hàm lượng vibrio spp vượt ngưỡng cho phép (dao động từ 1.055-3.350CFU/ml). Trung tâm khuyến cáo người nuôi nên di dời lồng đến khu vực có độ sâu hơn, dòng chảy tốt, chú ý vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ. “Biện pháp phòng bệnh cho cá, ngoài giãn khoảng cách các lồng bè nuôi, đưa tới vị trí nước sâu, thoáng hơn; người nuôi cần che chắn, giảm nóng cho các lồng bè nuôi; hạn chế tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ thức ăn là cá tạp, bằng cách khử trùng thức ăn trước khi cho cá ăn, sử dụng thức ăn phải còn tươi. Tăng cường vitamin tổng hợp, nhất là vitamin C và các khoáng chất trộn vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng cho cá”, ông Giáp Văn Thức thông tin.
Từ khi cửa biển An Hải khơi thông, lưu tốc dòng chảy tại khu vực cửa biển Lễ Thịnh cũng kém đi. Trong khi đó, số lượng lồng bè nuôi thủy sản tự phát ở khu vực này tăng đáng kể, cộng với việc một số người dùng lốp xe cũ, cọc tre để nuôi hàu, xả rác thải sinh hoạt… khiến khu vực này ô nhiễm.
Trong khi đó, ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết, khu vực cửa biển Lễ Thịnh chưa được quy hoạch vùng nuôi thủy sản, huyện đang lấy ý kiến có nên để vùng nuôi này tồn tại hay không.