Cá nuôi trong ruộng đang “khát” lũ
Nhiều năm qua, bà con nông dân huyện Vĩnh Thạnh chuyển một phần đất sản xuất lúa vụ 3 sang áp dụng mô hình nuôi cá trên chân ruộng vào mùa lũ nhằm góp phần tái tạo độ phì nhiêu cho đất và tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, năm nay nước lũ về ít khiến cho các hộ nuôi cá gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Tha, ở ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Quới là một trong những nông dân có thâm niên nuôi cá trên chân ruộng vào mùa lũ, chưa bao giờ chứng kiến cảnh mùa lũ mà không có lũ như năm nay. Trong suốt 6 năm qua, thay vì làm lúa vụ 3, ông chuyển sang áp dụng mô hình nuôi cá ruộng, thu lợi nhuận từ 8-10 triệu đồng/ha/vụ. Mùa lũ năm nay, với 2,6ha đất sản xuất của gia đình và thuê thêm đất lân cận, ông thả nuôi 110kg cá giống, cá chép và cá mè. Do nước lũ ít nên cá chậm lớn, ông phải be ven bờ xung quanh và bơm nước vào ruộng vậy mà cá vẫn chậm lớn. Ông Tha nói: “Dân gian mình có câu, tháng 7 nước nhảy khỏi bờ, đã qua tháng 7 âm lịch mà mực nước dưới kênh thấp hơn mặt ruộng từ 2-3 tấc, tôi phải thường xuyên bơm nước vào ruộng để đảm bảo môi trường tự nhiên cho cá sinh sống, vậy mà cá vẫn chậm lớn. Thời điểm này thả cá được một tháng rưỡi mà chỉ được 7-8 con/kg, so với cùng kỳ năm ngoái trọng lượng đã là 3-4 con/kg”.
Theo các hộ nuôi cá trên chân ruộng, thường vào khoảng đầu tháng 6 (âm lịch) sau khi thu hoạch xong lúa hè thu và nước dưới kênh chuyển đậm màu phù sa và từ từ tràn đồng bà con bắt đầu thả cá giống, có hộ nuôi cá giống trong mùng lưới một thời gian rồi mới cho vào ruộng để giảm bớt tỷ lệ hao hụt. Cá sinh sống trên ruộng, môi trường tự nhiên, tận dụng rong, tảo, lúa chét làm thức ăn nên người nuôi không cần mua thức ăn cho cá mà cá vẫn lớn nhanh. Cũng theo các hộ nuôi cho biết, thời điểm này năm trước nước lũ đã tràn bờ, mực nước trên ruộng cao từ 0,7-0,8m nên cá lớn khá nhanh còn năm nay nông dân phải tốn thêm chi phí bơm nước mà cá vẫn chậm lớn.
Ông Huỳnh Văn Tiết, ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Quới, năm thứ 2 áp dụng mô hình này, đầu tháng 6 (âm lịch) vừa qua, ông thả nuôi 100kg cá chép và cá mè trên diện tích 3ha, từ lúc thả nuôi đến nay, mỗi ngày ông đều đặn bơm nước vào ruộng, gần 2 tháng mà cá chỉ mới đạt trọng lượng 15 con/kg. Ông nói: “Trung bình một ngày tôi bơm từ 6-7 lít dầu (khoảng 100.000 đồng), chi phí tăng thêm mà cá lại chậm lớn, năm nay chắc không có lời”. Ông Lê Hữu Lợi, có ruộng gần kề với ông Tiết cũng cho biết: “Mấy năm trước tôi làm lúa vụ 3, nhưng do thời tiết thất thường và giá cả bấp bênh, thấy mô hình nuôi cá ruộng khá hiệu quả nên năm nay tôi chuyển sang nuôi cá ruộng thì gặp phải tình cảnh lũ ít, bà con chúng tôi hy vọng những con nước sau sẽ nhiều hơn”.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh, mô hình nuôi cá trên chân ruộng nhiều năm qua được ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân áp dụng. Bởi mô hình này giúp đồng ruộng được ngâm mình trong nước lũ đón nhận phù sa, góp phần cải tạo độ phì nhiêu của đất, đồng thời giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập. Nếu thuận lợi chỉ sau hơn 3 tháng lợi nhuận đạt từ 6-9 triệu đồng/ha, tương đương với sản xuất lúa vụ 3 mà không cần đầu tư vốn nhiều, lại nhẹ công chăm sóc, cá sống trong môi trường tự nhiên, lấy rong, tảo làm thức ăn, đến khi nước rút bà con tiến hành thu hoạch cá kết hợp với vệ sinh đồng ruộng xuống giống lúa đông xuân. Năm nay do nước lũ thấp nên diện tích nuôi cá ruộng ở Vĩnh Thạnh giảm mạnh, chỉ 88ha, so với năm rồi là 130ha, tập trung chủ yếu ở xã Thạnh Quới và thị trấn Vĩnh Thạnh.
Bà Phan Hồ Điệp, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Theo dự báo của ngành chức năng, mùa lũ năm nay ở mức thấp, vì vậy mô hình nuôi cá ruộng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình cá ruộng đang “khát” lũ, ngành nông nghiệp cũng đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương theo dõi tình hình, hỗ trợ bà con kỹ thuật chăm sóc nhằm giảm bớt rủi ro”.