Cá tầm bán ở miền Bắc không rõ nguồn gốc
“Bản thân tôi đã từng nhận được những lời mời rất khiếm nhã từ một số nhà cung cấp, mỗi tháng chúng tôi sẵn sàng mua của anh mấy tấn cá nhưng anh phải cung cấp toàn bộ nguồn gốc xuất xứ là của anh”, ông Lê Anh Đức, tổng giám đốc công ty cổ phần Cá Tầm Việt Nam chia sẻ với báo chí sáng ngày 7.7 tại Hà Nội.
50-70 tấn/ngày
Theo ông Đức, hiện nay hệ thống siêu thị M. mỗi ngày bán khoảng 50-70 tấn cá tầm, nhưng theo hiệp hội Cá nước lạnh thì chắc chắn miền Bắc không có quá 30-40 tấn cá được nuôi trong nước. Còn ở miền Nam, với tư cách là doanh nghiệp lớn nhất thuộc hiệp hội Cá nước lạnh, ông Đức khẳng định không bán cho hệ thống siêu thị này cá tầm, mà chỉ bán cho ba siêu thị tại Bình Định, Nha Trang (Khánh Hòa) và TP.HCM.
Ông Đức cũng cho rằng, các siêu thị ở miền Bắc không thể nhập cá tầm được nuôi từ Tây Nguyên ra, mà phần lớn là hàng nhập lậu.
Theo điều tra riêng, công ty của ông Đức đã từng đến Bắc Giang, nơi được cho là xuất xứ cá tầm bán ở siêu thị miền Bắc, thì chỉ là cái ao có vài chục mét khối nước, cùng lắm nuôi được vài chục con cá, vậy mà mỗi ngày họ viết hóa đơn xuất đến 3-5 tấn cá.
Trước thắc mắc của báo chí về “thông tin gây sốc này”, ông Đức cho hay việc này vẫn còn là tranh cãi giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, “Chúng tôi không phải cơ quan điều tra, không dám khẳng định 100% cá tầm bán tại siêu thị nói trên là nhập lậu nhưng có thể chắc chắn cá ở miền Bắc là nhập lậu”, ông Đức nói.
DN ở Lai Châu được yêu cầu vào Long An làm việc
Ông Trần Yên, giám đốc công ty cổ phần Nuôi trồng thủy sản Tây Bắc kể câu chuyện khôi hài, sau khi phát hiện có doanh nghiệp ở Lai Châu nhập cá tầm giống của Trung Quốc về nuôi, vi phạm các quy định pháp luật, ông Yên đã có một hành trình dài phản ánh lên các cơ quan chức năng từ đầu tháng 5, bắt đầu liên lạc từ cấp xã cho đến bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Tuy nhiên, sau khi đoàn thanh tra pháp chế của Tổng cục Thủy sản lên Lai Châu kiểm tra nhưng sau đó cho biết “chưa có ý kiến về việc này”. Ông Yên đã tìm cách liên lạc với bộ trưởng Cao Đức Phát, thì ngày 11.6, tổng cục chuyển thư về yêu cầu ông Yên làm việc với sở Nông nghiệp tỉnh Long An?
“Tôi không hiểu lý do gì, cơ quan cấp Nhà nước lại yêu cầu vào Long An làm việc thì không biết giải quyết việc gì”, ông Yên tỏ ra bức xúc.
Nhận định về việc này, ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói, “tôi thấy rất buồn cách mà các quan chức Nhà nước xử lý đơn thư phản ánh của người dân, theo kiểu đá bóng”. Ông Dũng cũng nêu đích danh người ký chuyển đơn cho ông Yên làm việc với Long An là ông Vũ Tuấn Cường, vụ trưởng vụ Pháp chế thanh tra của Tổng cục Thủy sản.
Chặn cá tầm lậu cách nào?
Về vấn đề cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam, hiện VASEP chưa có ý kiến gì vì chưa có thành viên chế biến cá tầm, mà là sẽ hướng tới trong tương lai. Ông Dũng cho rằng nếu phát triển cá tầm Việt Nam ở khu vực Tây Bắc sẽ hỗ trợ rất lớn cho đồng bào tái định cư, tạo công ăn việc làm và giá trị lớn cho người dân.
Nêu lên các giải pháp để ngăn chặn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam số lượng lớn, ông Đức khẳng định, biện pháp hữu hiệu nhất và đỡ tốn nhất cho các cơ quan chức năng là chặn đường cá tầm lậu vào miền Nam, thị trường lớn nhất, qua cửa duy nhất là sân bay Nội Bài, nơi hãng hàng không Việt Nam VNA được vận chuyển hải sản sống.
Ông Đức cho rằng, việc các cơ quan chức năng yêu cầu cơ quan thú y và kiểm dịch làm việc ở sân bay không có gì khó khăn, nhưng tại sao đến giờ này vẫn chưa làm, sau khi có chỉ đạo của Thứ trưởng bộ Nông nghiệp? Trong khi các cơ quan chức năng hàng không cũng nói “không có cá tầm lậu bay”.
Hiện nay các nhà buôn đang rửa cá tầm lậu vào miền Nam bằng cách dùng một hóa đơn nhiều lần, mỗi ngày số giấy tờ để xuất 3-5 tấn thì lấy đâu ra, vì liên quan đến thuế, quy trình nuôi?
Còn ông Yên đề xuất, các địa phương cùng lên tiếng, các cơ quan chức năng đi kiểm tra xem hiện nay có bao nhiêu cơ sở nuôi trồng, xuất xứ, yêu cầu đóng cửa nếu không có giấy phép, “Có nhiều đâu, chỉ cần kiểm tra ở Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, có vài tỉnh mà không làm nổi”. Rồi cũng có thể truy xuất cá giống, lấy từ đâu, cả miền Bắc chỉ có một cơ sở sản xuất giống, hỏi xem họ có bán không?
Theo ông Đức, số cá tầm nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm gấp 8 lần con số được ước tính 600 – 700 tấn. Thông tin từ các đại lý của Trung Quốc cho hay, mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ 10-15 tấn cá, tương đương mỗi năm là 4.000 – 5.000 tấn cá tầm. Miền Nam tiêu thụ 60- 70%.