TIN THỦY SẢN

Cá tầm "lên núi"

Cá tầm bố mẹ Quốc Phương

Hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn-Bắc Giang) "treo" giữa bốn bề là núi, chênh lệch độ cao với những khu vực phía dưới đến hàng chục mét. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố để nuôi cá nước lạnh. Loài cá tầm từ phương Bắc xa xôi được đưa về nuôi, theo thời gian đã sinh trưởng tốt.

Người trong nghề ví cá tầm như những "công chúa, hoàng tử" để nói về sự ngặt nghèo trong quy trình nuôi cá tầm; thậm chí coi chúng là những "hoá thạch sống" vì đây là một trong những loài cá cổ nhất còn tồn tại. Từ xưa, cá tầm chỉ xuất hiện trong thực đơn của vua chúa vì là món ăn quý, bổ dưỡng mà người dân bình thường không dám nghĩ đến. Hiện nay, mặc dù cá tầm đã trở nên phổ biến, nhưng giá thành vẫn khá đắt. 

Chuyện con cá tầm ngược núi lên hồ Cấm Sơn cũng lắm gian nan. Từ năm 2005, Công ty Cá Tầm Việt Nam đã tiến hành khảo sát một số địa điểm và quyết định đầu tư nuôi cá tầm ở hồ Cấm Sơn vì điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, phù hợp và nhất là nguồn nước đáp ứng đủ yêu cầu về độ sạch, nhiệt độ để nuôi cá nước lạnh. Ngay sau đó, Công ty phối  hợp với Trung tâm Giống thuỷ sản cấp 1 (Sở Nông nghiệp và PTNT) đầu tư khoảng 6 tỷ đồng đưa cá tầm về nuôi tại cơ sở của Trung tâm tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (ngay sát chân đập Cấm Sơn).

Sau nhiều đợt thăm dò, mời chuyên gia nước ngoài sang tư vấn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đến tháng 8-2010, lứa cá đầu tiên được đưa từ Đà Lạt về nuôi với số lượng khoảng 6 nghìn con (trọng lượng chỉ 60-70 g/con). Trong tổng số 6 tỷ đồng, Trung tâm Giống thủy sản cấp I và Công ty Cá Tầm phối hợp đầu tư, riêng hệ thống dẫn nước từ lòng hồ Cấm Sơn về đến các bể nuôi cá là 1,8 tỷ đồng. Hàng loạt bể nước để ấp, ương và nuôi cá được xây dựng với độ sâu gần 2 m, tạo thành dây chuyền liên hoàn, nước sạch và mát dẫn từ hồ Cấm Sơn về lưu thông quanh năm, hình thành môi trường sống gần giống trong tự nhiên của cá tầm.

Được chăm sóc tốt, lứa cá đầu tiên lớn nhanh, thích nghi với môi trường mới. Thấy được triển vọng, Công ty Cá Tầm Việt Nam tiếp tục đưa về hàng nghìn con cá thương phẩm và gần 50 con cá hậu bị về nuôi. Các cán bộ kỹ thuật cho biết, bên cạnh thức ăn được chế biến sẵn, họ còn chủ động nuôi một số loài cá nhỏ có sẵn tại địa phương để làm thức ăn. Những loại mồi sống này rất hợp "khẩu vị" của cá tầm; hằng ngày, trung bình một con cá tầm ăn lượng thức ăn tương đương 1% trọng lượng cơ thể của chúng nên phương pháp cho ăn kết hợp này giúp cá khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển nhanh.

Đến nay, sau hơn hai năm thử nghiệm, cá tầm nuôi ở Cấm Sơn đã được xuất bán tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Cá thịt giá từ 250-280 nghìn đồng/kg, trọng lượng khoảng 3-4 kg trở lên. Trứng cá tầm chủ yếu xuất khẩu, giá từ 1.000 -1.800 USD/kg. Trại nuôi hiện có 20 nghìn con cá tầm, bao gồm cá bố mẹ (500 con, con to nhất đạt trọng lượng 20kg, chiều dài khoảng 1,5 m), cá giống và cá thương phẩm.


Bể nuôi cá tầm thương phẩm. Ảnh: Việt Hưng

Anh Nguyễn Văn Khải, cán bộ Công ty Cá Tầm Việt Nam quê ở huyện Yên Thế, có bằng đại học ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Pháp và đã trải qua không ít thăng trầm với nhiều nghề khác nhau, giờ gắn bó với nghề nuôi cá tầm, cho biết: Nuôi cá tầm không khác gì chăm con nhỏ. Anh và các nhân viên ở đây liên tục có mặt ở các bể cá, bất kể ngày hay đêm, thường xuyên kiểm tra xem cá có ăn đủ không, thức ăn đưa xuống bể quá 30 phút mà cá không ăn hết phải vớt bằng sạch, không để ô nhiễm bể; nếu cá có biểu hiện lạ, lập tức cách ly điều trị. Bù lại, thấy cá ngày càng lớn, niềm vui của những người nuôi cá cũng nhân lên. Hiện nay, tại đây có nuôi nhiều loại như: cá tầm Nga, cá tầm Siberi, cá tầm Sterlett, cá tầm lai...

"Hữu xạ tự nhiên hương", biết tin cá tầm được nuôi thành công bằng nguồn nước hồ Cấm Sơn, một số nông dân ở trong và ngoài tỉnh đã đến tìm hiểu, học hỏi. Khi chúng tôi đang trò chuyện với anh Khải, có hai vị khách từ huyện Đông Triều (Quảng Ninh) lặn lội đến tận nơi để "mục sở thị" đàn cá tầm với mục đích đưa cá tầm về nuôi. Anh Khải nhiệt tình hướng dẫn khách và giải thích cặn kẽ về loài cá mà anh đã gắn bó nhiều năm. Không chỉ người nuôi, một số doanh nghiệp, siêu thị cũng đã trở thành khách hàng mua cá tầm thương phẩm, trong đó có một số nhà hàng ở TP Bắc Giang. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của những người nuôi cá tầm ở Cấm Sơn là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của cá tầm nhập lậu từ bên kia biên giới. Loại cá đó có giá  thấp (hơn 100 nghìn đồng/kg) nhưng thịt bở; hơn nữa, đây là loại hàng hóa trôi nổi, không qua kiểm dịch. Nhưng do giá rẻ nên một bộ phận người tiêu dùng vẫn sử dụng, tạo điều kiện cho loại sản phẩm chất lượng kém này chiếm lĩnh thị trường.

Ông Thân Văn Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Giống thuỷ sản cấp I cho biết: Mô hình nuôi thử nghiệm cá tầm bằng nguồn nước hồ Cấm Sơn bước đầu đã thành công. Các điều kiện về lượng oxy hòa tan, độ pH, chỉ tiêu vi sinh của nước phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cá… Trên cơ sở kết quả khả quan đó, thời gian tới, Trung tâm Giống thủy sản cấp I sẽ phối hợp với Công ty Cá Tầm Việt Nam xây dựng và triển khai dự án nuôi cá tầm tại hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn). Tổng vốn đầu tư của dự án 70 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm, dự kiến xây dựng 100 lồng cá nuôi trên diện tích 5.000 m2 mặt nước hồ. Đồng thời sẽ tiến hành khảo sát các hồ đập khác trên địa bàn tỉnh, nếu đủ điều kiện sẽ mở rộng mô hình nuôi cá tầm, đưa Bắc Giang trở thành trung tâm cung cấp cá tầm giống và thương phẩm cho khu vực miền Bắc.

Quốc Phương báo Bắc Giang