Cá tra giống tồn đọng khiến cho người nuôi gặp khó
Cá tra giống tại Đồng Tháp đang tồn đọng khá lớn với khoảng 50 triệu con do không có "đầu ra," mặc dù giá cá giống đã giảm khoảng 50% (chỉ còn trên 20.000 đồng/kg) nhưng vẫn không bán được.
Nhiều ao cá giống đang quá lứa, người ương nuôi cá giống gặp khó khăn.
Huyện Hồng Ngự có vùng ương nuôi cá tra giống lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với 75 cơ sở sản xuất cá tra giống nhân tạo, đáp ứng cho thị trường khoảng trên 15 tỷ cá tra bột và gần 840 triệu cá giống mỗi năm. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ ngành thủy sản cải thiện di truyền đàn cá hậu bị từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, thay thế đàn cá bố mẹ kém chất lượng, quy hoạch vùng nuôi cá tra tập trung.
Ương nuôi cá tra cũng là một trong những nghề truyền thống của huyện, người nuôi cá ở đây sớm tiếp cận công nghệ mới nên trình độ sản xuất giống cũng được nâng lên... Tuy nhiên, do việc tiêu thụ và giá cá tra thời gian qua không ổn định, giá tụt giảm khiến người nuôi cá tra thương phẩm treo ao hoặc chuyển nuôi các loại cá khác, dẫn đến tình trạng tồn đọng cá tra giống hiện nay.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Hồng Ngự, giá cá tra thương phẩm luôn sụt giảm, hiện nay chỉ còn 21.000 đồng/kg, người nuôi phải chịu lỗ từ 3.500 đến 4000 đồng/kg so với giá thành, kéo theo tình trạng cá giống không tiêu thụ được. Do đó diện tích ương nuôi cá tra giống trên địa bàn huyện đã giảm 110ha.
Theo nhận định của huyện, nghề ương nuôi cá tra giống của địa phương còn phụ thuộc nhiều vào thị trường. Do đó, khi có sự không ổn định về mặt cung-cầu, thiếu liên kết trong ngành cá tra đã dẫn đến hệ lụy là cá tra giống tồn đọng.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết từ năm 2012 đến nay, tình trạng khủng hoảng thừa cá tra giống luôn diễn ra, giá giảm sâu, người nuôi bị lỗ. Ngoài ra, người nuôi cá tra giống chưa tiếp xúc được nguồn vốn ưu đãi. Muốn phát triển nghề nuôi cá giống ổn định trên địa bàn huyện, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa vùng nuôi cá tra thương phẩm và nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Ngoài ra, cũng cần có chính sách cho vay đối với nhà máy chế biến xuất khẩu để các doanh nghiệp này có vốn mua cá của dân. Đồng thời, cần hướng người dân đến quy trình sản xuất cá sạch và xây dựng thương hiệu cho cá tra giống của huyện Hồng Ngự.
Để phát huy những tiềm năng lợi thế của huyện Hồng Ngự trong việc phát triển nghề nuôi cá tra giống, đưa Hồng Ngự trở thành một trong những địa chỉ cung cấp cá giống hàng đầu của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp để giúp các cơ sở và hộ sản xuất đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá tra giống; trong đó việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, các vùng nuôi để cung cấp cá giống là biện pháp hữu hiệu nhất, tránh tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.