TIN THỦY SẢN

Cá tra hao hụt giống 95%, nuôi thương phẩm 30 - 50%

Thời gian thu hoạch cá bị kéo dài sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế Sáu Nghệ

Dự án thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá cá tra (do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia và Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế đồng tài trợ) cho kết quả nghiên cứu bước đầu rất đáng quan tâm. Thông tin từ Tiến sỹ Nguyễn Văn Kiền và Kim Alexander của dự án.

Hao hụt lớn cá giống và nuôi thương phẩm 

Giai đoạn cá giống (90 ngày): Tỷ lệ sống trước đây là 10-12%; hiện đã giảm còn 2-3%, tỷ lệ sống cao nhất hiện nay trung bình là 5%. Như thế, hao hụt trong giai đoạn cá giống thấp nhất hiện nay trung bình là 95%, ở nhiều cơ sở hao hụt lớn hơn. 

Giai đoạn nuôi thương phẩm (8 -10 tháng): Cá bị hao hụt lên tới 30%-50% số đầu con. Thời gian thu hoạch cá bị kéo dài sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế do mất thêm tiền thức ăn bổ sung và cá quá khổ sẽ phải bán với giá thấp hơn. Những thất thoát khác bao gồm lãng phí nguồn trầm tích và nước trang trại - vốn có thể sử dụng để làm phân bón hữu cơ và artemia để nuôi cá tra giống, tuy nhiên chưa được sử dụng triệt để. 

Hao hụt trong thu hoạch, vận chuyển, chế biến 

Thu hoạch tại ao nuôi: Tỷ lệ hao hụt đầu con 1-2%; giảm giá bán 86% đối với cá chết (giá bán cá chết 4.000 đồng/kg, so với cá sống 28.000 đồng/kg). 

Trong khâu vận chuyển: Thất thoát 4-5% khi vận chuyển từ ao xuống ghe đục và 1-2% trên ghe lúc vận chuyển; cá chết giảm giá bán tới 86% so với cá sống. 

Ở khâu chế biến: Tỷ lệ tổn thất thay đổi tùy theo kích cỡ và chất lượng cá, hiệu suất kỹ thuật của công nhân phi lê và tổng lượng tồn kho; tuy nhiên, vẫn xảy ra. Tổn thất còn xảy ra khi lãng phí các sản phẩm phụ như máu cá chưa được tận dụng hiệu quả. Da cá trước đây bị bỏ phí, nay đã được quan tâm sử dụng để làm ra các sản phẩm collagen có giá trị cao. 

Cá tra giống hao hụt lên đến 95%

Nghiên cứu chuỗi giá trị  

Kết quả trên, theo các chuyên gia, là nghiên cứu sơ bộ ban đầu tuy nhiên đã chỉ ra những tổn thất đáng kể trong chuỗi cung ứng, đặc biệt trong giai đoạn nuôi giống và nuôi thương phẩm, tiếp đó hao hụt trong cả chuỗi từ thu hoạch, vận chuyển đến chế biến. Nghiên cứu dựa trên các cuộc phỏng vấn với người nuôi cá giống, người nuôi thương phẩm, người vận chuyển và nhà máy chế biến ở tỉnh An Giang vào đầu năm 2024. 

Dự án nhằm xác định tình trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm hiện tại và tương lai trong chuỗi cung ứng cá tra, đồng thời phát triển các giải pháp can thiệp giúp giảm tổn thất. Để xây dựng năng lực cho các nhà nghiên cứu trong nước, dự án đã đào tạo về chuỗi giá trị, nghiên cứu xã hội, kỹ năng thu thập dữ liệu và tương tác với doanh nghiệp, các bên liên quan; đào tạo về kỹ thuật dự đoán tầm nhìn xa (Foresighting) để phân tích rủi ro bằng cách hình dung những diễn biến có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng cá tra trong tương lai. 

Cho nên, dự án có sự đóng góp của các đối tác nghiên cứu, gồm Bộ NN&PTNT, Cục Thủy sản và các trường Đại học Nông nghiệp, Đại học Quốc Gia TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học An Giang, Đại học New England, Đại học Swinburne, Đại học Quốc Gia Australia. Bên cạnh là các doanh nghiệp như Công ty TNHH Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Việt – Úc, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Sao Mai, và nhiều nông dân trực tiếp nuôi cá tra. 

Tiếp tục khảo sát ở quy mô lớn hơn 

Kết quả ban đầu nhưng giá trị ở chỗ, lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội đã mang tới kiến thức chuyên môn về phân tích thiệt hại kinh tế, huy động sự tham gia của các bên liên quan và cách hợp tác với các đối tác bên ngoài, bao gồm chính phủ và doanh nghiệp, để hiểu rõ hơn về các tổn thất không hề nhỏ. Mục đích là sử dụng các tri thức này để phát triển các biện pháp can thiệp mạnh mẽ nhằm giảm tổn thất và lãng phí trong ngành cá tra, một ngành hàng sản phẩm chiến lược của thủy sản Việt Nam.  

Hiện nay, dự án đang tiến hành cuộc khảo sát ở quy mô lớn hơn để tinh chỉnh các phân tích về chuỗi giá trị và hiểu rõ hơn về thất thoát, lãng phí cũng như tổn thất trong các chuỗi cung ứng khác. Các nhà khoa học sẽ quy đổi giá trị các tổn thất thành tiền, để cho thấy tổng thiệt hại đáng kể xảy ra trong toàn bộ ngành công nghiệp cá tra. Từ đó, mở hướng giải quyết mang tính đa ngành.  

Sáu Nghệ