Cá tra lại bị EU cảnh báo
Mới đầu năm, cá tra Việt Nam đã nhận được những cảnh báo từ khách hàng EU do sử dụng những chất phụ gia thực phẩm không được phép tại thị trường này.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngày 27/1, Cty Seafood Connection B.V Hà Lan, một khách hàng chuyên NK thủy hải sản từ Việt Nam, nhất là NK cá tra đông lạnh, đã gửi thư cho Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), thông báo về việc một số DN Việt Nam sử dụng chất phụ gia E500/E501 (các muối carbonat hydro carbonat, sesquicarbonat của kali và natri) trong chế biến các sản phẩm philê cá tra đông lạnh.
Cty Seafood Connection B.V Hà Lan bày tỏ lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến việc từ chối NK các lô hàng philê cá tra đông lạnh của Việt Nam vào EU. Qua đó tạo ra thêm các vụ bê bối thực phẩm liên quan đến cá tra Việt Nam, làm giảm lòng tin của khách hàng và người tiêu dùng EU đối với sản phẩm cá tra.
Đây không phải là lần đầu tiên cá tra thành phẩm bị cảnh báo về việc sử dụng các chất phụ gia nói trên. Hồi tháng 7 năm ngoái, NAFIQAD đã có thông báo cho hay: Cục này đã nhận được thông tin cảnh báo từ một số nhà NK EU về việc phát hiện ra một số lô hàng cá tra NK từ Việt Nam có sử dụng phụ gia E500 (Natri Carbonat) và E501 (Kali Carbonat).
Việc sử dụng các chất phụ gia nói trên trong chế biến cá tra XK sang EU là trái với cả quy định của EU lẫn quy định của nước ta. Bởi theo Quy định (EC) số 1333/2008 của Ủy ban Châu Âu, có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/6/2003, các chất E500 và E501 đều không có tên trong Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thủy sản.
Còn ở nước ta, theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm, các phụ gia thuộc nhóm INS500 (Natri Carbonat, Natri Hydro Carbonat, Natri sesquicarbonat) và INS501 (Kali Carbonat, Natri Hydrogen Carbonate), chỉ được sử dụng trong các sản phẩm thủy sản là cá bao bột, cá philê bao bột và sản phẩm thủy sản bao bột đông lạnh, kể cả nhuyễn thể, giáp xác, da gai.
Như vậy, các sản phẩm philê cá tra đông lạnh không được phép sử dụng chất phụ gia E500 và E501. Do đó, nếu các DN Việt Nam sử dụng các chất phụ gia này trong chế biến philê cá tra đông lạnh, khi lô hàng được đưa sang EU mà bị cơ quan chức năng bên đó phát hiện ra, chắc chắn sẽ bị cảnh báo và có thể bị trả về.
Khi ấy, không chỉ DN bị thiệt hại về uy tín, kinh tế mà còn làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh cá tra Việt Nam tại thị trường EU, là nơi đã từng có nhiều thông tin bôi nhọ về con cá tra Việt Nam trong những năm qua.
Chính vì thế, hồi tháng 7 năm ngoái, NAFIQAD đã có công văn yêu cầu các DN chế biến thủy sản phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về phụ gia thực phẩm của EU khi XK sang thị trường này. NAFIQAD cũng yêu cầu các Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng từ 1- 6, tiến hành phổ biến cho các DN thủy sản trên địa bàn các quy định của EU và Việt Nam về phụ gia thực phẩm.
Đồng thời tăng cường kiểm tra việc sử dụng phụ gia thực phẩm của các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và các nước NK trong quá trình kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP và kiểm tra lô hàng trước khi XK. Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo và yêu cầu ấy, đến đầu năm nay, vẫn có những lô hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam bị nhà NK phát hiện có sử dụng các chất phụ gia E500 và E501.
Trước tình hình đó, ngày 7/2 vừa rồi, VASEP đã phải gửi công văn tới các DN thành viên đang chế biến, XK cá tra. Theo đó, để tuân thủ các quy định ATTP của Việt Nam và EU, bảo đảm uy tín của hàng thủy sản Việt Nam và không gây ảnh hưởng tới hình ảnh cá tra Việt Nam nhất là tại châu Âu, VASEP yêu cầu các DN chế biến cá tra chỉ sử dụng các chất phụ gia E500 và E501 trong chế biến những sản phẩm bao bột, và dứt khoát không sử dụng khi chế biến sản phẩm philê cá tra đông lạnh.