TIN THỦY SẢN

Cá tra “lận đận” vì vốn

Thu hoạch cá tra ĐBSCL

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) cá tra ở khu vực ĐBSCL, hiện các nhà máy chế biến đang rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, chi phí đầu vào cùng với lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, phần lớn nông dân buộc phải “treo ao” dài hạn vì không còn vốn để tái đầu tư thả nuôi...

Các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ thì khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì không còn tài sản thuế chấp. Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn ao nuôi cá tiếp tục “treo”. Trên thực tế, có những trường hợp 1 hộ nuôi cá tra đã vay vốn ở rất nhiều ngân hàng đến cả “núi nợ” hoặc vốn đầu tư chỉ có 1 nhưng đã vay đến 10 thì không thể nào xem xét giải quyết được nữa. Và nếu cứ cho các hộ này vay thì chẳng khác nào đưa họ vào đường cùng không lối thoát và ngân hàng cũng gặp khó khăn hơn khi phải “ôm” thêm nợ xấu.

Tuy nhiên, nếu cứ để DN tự chủ động vùng nuôi cá nguyên liệu thì chắc chắn không đủ vốn. Do đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến XK rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa DN với người nuôi theo 1 tỉ lệ nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, sự liên kết này ở các tỉnh, thành vẫn còn lỏng lẻo, đôi khi còn bị phá vỡ giữa chừng.

Theo tính toán, để đầu tư 1 ha nuôi cá tra chỉ riêng vốn cá giống đã khoảng 1,4 tỷ đồng, thời gian nuôi cá tra kéo dài 8-10 tháng mới thu hoạch nhưng hạn mức cho vay đối với nông dân thì rất hạn chế.

Việc vay vốn hiện nay chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp nhiều hay ít nhưng vốn vay ngân hàng chỉ đáp ứng chưa tới phân nửa chi phí đầu tư. Với mức giá khoảng 23.000 đ/kg như hiện nay người nuôi cá tra ở ĐBSCL bị lỗ từ 2.000-5.000 đ/kg.

Giá cá tra giảm mạnh không phải do lượng cá trong dân nhiều mà do DN đang trong tình trạng khó khăn về vốn. Ông Đoàn Văn Trung (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang) vừa bán 300 tấn cá tra với giá 23.000 đ/kg. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi khoảng 25.500 đ/kg. Tính ra, vụ này ông Trung bị lỗ không dưới 600 triệu đồng…

Theo ông Dương Ngọc Minh, Ủy ban cá nước ngọt của VASEP cho biết, dù giá cá tra rẻ hơn giá thành nhưng DN không có tiền để mua. Hiện chỉ có 20% DN đang tồn tại và phát triển được, còn 80% DN đang gặp khó khăn lớn vì phụ thuộc vào nguồn vốn eo hẹp của ngân hàng. Trong đó có 30% DN đang trong tình trạng “hấp hối”.

Lãi suất ngân hàng quá cao kéo dài từ quý IV năm ngoái sang 4 tháng đầu năm nay, làm cho những DN sắp đến hạn trả nợ cũ cho ngân hàng buộc  phải bán phá giá khiến giá cá XK giảm mạnh. Giá XK sang EU hiện chỉ còn 2,7 USD/kg, giá sang Mỹ khoảng 3,1 USD/kg, giảm 15% so với trước. Giá XK giảm mạnh nhưng vẫn khó bán, nhất là vào thị trường EU.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến cá tra XK An Giang, cho biết: Ngay cả khi gói hỗ trợ tín dụng được triển khai thực hiện thì hộ nuôi cá nhỏ lẻ cũng đừng mong. Bởi trong thời gian dài chịu lỗ lã, hầu như tài sản của họ đã đem đi thế chấp hết. Trong khi đó, theo quy định thì người nuôi hay DN đều phải có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới có thể giải ngân vì sợ rủi ro. Cách tốt nhất là bà con nên nuôi loại cá khác đem bán ở chợ cho chắc ăn hơn. Chứ cứ đeo hoài theo cá tra, không sớm thì muộn sẽ bán hết tài sản mà trả nợ.

Bà Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh An Giang, cho biết: Trong khi chờ đợi gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng từ Chính phủ, An Giang đã chủ động mời từng DN đến tìm hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu vay vốn. Qua đó, xét thấy DN nào còn khả thi, ngân hàng sẽ hướng dẫn thủ tục và cho vay vốn sản xuất. Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, chúng tôi đang thực hiện cho vay vốn bình thường như từ trước đến nay. Tính đến tháng 7/2012, dư nợ cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản trong toàn tỉnh lên đến 5.944 tỉ đồng.

CAND