Cá tra mờ mịt ở sân khách lẫn sân nhà
Bàn về tương lai xuất khẩu tỷ đô hay lui về thị trường nội địa, tương lai ngành cá tra vẫn chưa nhìn thấy điểm sáng.
Cá tra – “đội sổ” ở thị trường xuất khẩu
Thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 58,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nửa đầu năm 2020, mặt hàng thủy sản có giá trị xuất khẩu giảm sâu nhất là cá tra với mức giảm 31%; tiếp đến là cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%; các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%, duy nhất chỉ có tôm bật tăng gần 3%.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin chi tiết về giá cả, theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), giá trung bình của cá tra phile đông lạnh nhập khẩu trong tháng 4/2020 tại Mỹ là 2,86 USD/kg, giảm 0,48% so với tháng 3/2020 và thấp hơn 35,1% so với cùng năm 2019.
Tại thị trường nội địa, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc Đông bằng sông Cửu Long trong thời gian qua vẫn loanh quanh mức 18.000-18.200 đ/kg đối với cá tra loại I (700- 900g/con).
Trước diễn biến khó lường của thị trường, các công ty lớn hầu như không nhập ngoài mà chủ yếu thu mua trong hệ thống liên kết, các công ty nhỏ, đơn vị gia công thu mua cá ngoài cũng rất ít. Thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp.
Gặp khó ngay trên sân nhà
Trước cú sốc vì mặt hàng tỷ USD gặp khó ở thị trường quốc tế, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp đã trực tiếp chỉ đạo để tìm hướng đi mới cho ngành cá tra vốn có diện tích nuôi chỉ 6.000 ha, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm nhưng giá trị xuất khẩu đạt 2,5 tỉ USD/năm.
Theo đơn vị chủ quản, muốn mở rộng sản xuất và ổn định về giá cá tra thì phải tập trung mở rộng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Không phải vì xuất khẩu khó khăn mà quay trở về thị trường nội địa. Chúng ta phải coi trọng việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu bền vững.
Nếu khai thác được thị trường 100 triệu dân thì sản lượng tiêu thụ tăng, khi ấy sẽ kích thích được sản xuất. Việc khai mở thị trường trong nước nếu thành công sẽ đạt mục tiêu kép vừa tăng sản lượng, giá trị con cá tra và tạo thị trường tiêu thụ đa dạng hơn để người dân lựa chọn.
Tuy nhiên, lý thuyết là vậy nhưng kể từ ngày Bộ chủ quản “mở lối” thì ngành cá tra vẫn cứ loay hoay bởi trong thực đơn người Việt cá tra vẫn là một mặt hàng “xa xỉ”.
Với góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food trăn trở, “Tại sao chúng ta làm cho cả thế giới tin, mà dân ta vẫn còn e dè?”.
Theo bà Lâm, đẩy mạnh truyền thông cũng chính là cách mà một số doanh nghiệp đã chủ động triển khai, với quyết tâm chinh phục người tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, Công ty đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thói quen chế biến của người Việt như cá tra cắt khúc, phi lê cá tra còn da/không da cắt miếng…
Còn ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty Cỏ May cho biết, Công ty đã xuất khẩu cá tra đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng lại chưa tìm được kênh phân phối ở thị trường nội địa, kể cả hệ thống siêu thị và chợ truyền thống.
Ngay cả Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, nằm trong Top doanh nghiệp cá tra xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhiều năm qua vẫn “loay hoay” với thị trường trong nước.
Bàn về tương lai cho ngành xuất khẩu tỷ USD, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho biết, chủ trương các tỉnh là sốc lại ngành hàng để thúc đẩy tiêu thụ. Tuy nhiên, điều này không thể gấp rút mà còn phụ thuộc tình hình Covid-19 ở các nước trên thế giới. Nếu theo tình hình khả quan, dịch bệnh ở từng nước có chiều hướng giảm, dự báo sẽ thúc đẩy xuất khẩu cá tra.