Cá tra - thách thức và cơ hội mới
Ít nhất 3 năm trở lại đây, người nuôi cá tra ở ĐBSCL chưa “nếm mùi lời” do giá cá thương phẩm liên tục sụt giảm. Bên cạnh những khó khăn nội tại do giá thành sản xuất tăng, dịch bệnh, cạnh tranh thiếu lành mạnh,… thì đầu ra của cá tra thường bị chặn đứng bởi những rào cản kỹ thuật. Những “vòng kim cô” này có lúc tưởng chừng như bóp chết con cá tra Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng không! Bằng nỗ lực vượt bậc, thương hiệu cá tra Việt Nam lại tiếp tục “vượt vũ môn”. Đánh giá của ngành chuyên môn, nếu so sánh các tiêu chuẩn áp dụng trên cá tra hiện nay với trình độ sản xuất hiện tại, thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Vấn đề là tìm ra dấu gạch nối để liên thông giữa các tiêu chuẩn với nhau. Lời giải cho bài toán này đòi hỏi nỗ lực rất lớn ở người nuôi lẫn nhà quản lý.
Kỳ 1: Thua lỗ, treo ao
Thị trường quốc tế đã từng cho rằng cá tra là hàng độc quyền của Việt ! Về lý thuyết, hàng độc quyền phải bán giá cao và được quyết định giá. Song thực tế, mọi việc đang diễn ra theo chiều ngược lại…
Khó khăn tiếp nối
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, giảm 0,5% so năm 2012.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt cho biết: Từ năm 2010 đến nay, diện tích nuôi cá tra giảm 1,8 %/năm.
Dù cá tra Việt Nam đã có mặt ở 149 thị trường nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào 2 thị trường chính là EU và Mỹ, hiện chiếm gần 50% sản lượng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu cá tra của 2 thị trường này chưa lạc quan.
Ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt , ngậm ngùi: “Giá thành sản xuất cá tra từ 22.500- 23.000 đ/kg, trong khi giá bán chỉ từ 18.000-19.000 đ/kg. Từ tháng 3/2012 đến nay, giá mua cá tra luôn dưới giá thành 2.000- 4.000 đ/kg. Hiện sản lượng cá chủ yếu vẫn do các nhà máy đầu tư nuôi, còn nông dân nuôi rất ít do thua lỗ, nhiều hộ đã treo ao hoặc đi nuôi gia công cho nhà máy”.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong tháng 2/2014, diện tích và sản lượng cá tra tại ĐBSCL tiếp tục giảm. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra tại Cần Thơ còn 480ha, giảm 8,57%; Đồng Tháp còn 989ha, giảm 4,7%.
Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 423,17ha nuôi cá tra thâm canh, đang thả nuôi 278,53ha, giảm 30ha so cùng kỳ. Diện tích treo ao (2 vụ trở lên) trên 39ha, tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Bình Tân, Mang Thít.
Nguyên nhân, do giá cá không ổn định và dưới giá thành sản xuất thời gian dài nên một số cơ sở nuôi bị thua lỗ không còn đủ tài chính đầu tư nuôi tiếp.
Ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký VASEP cho biết, nguồn cá nguyên liệu trong nước tiếp tục sụt giảm do chính sách thắt chặt tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư vùng nuôi, trong khi số hộ nông dân rơi vào cảnh lỗ lã ngày một nhiều hơn.
Trung Quốc có thể trở thành thị trường hấp dẫn nhưng độ an toàn trong thanh toán ở thị trường này còn thấp, chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.
Phục hồi chậm
Trở ngại lớn nhất của ngành cá tra trong năm nay được dự báo tiếp tục không ổn định giữa cung và cầu, chất lượng con giống giảm, giá các yếu tố đầu vào (thức ăn, thuốc,…) luôn tăng trong khi đầu ra bất ổn.
Theo ông Trương Đình Hòe, nhu cầu nhập khẩu tại 2 thị trường chính là Mỹ và EU hồi phục chậm do kinh tế của các nước này vẫn chưa ổn định, nhập khẩu vào thị trường Trung Đông cũng giảm do các nội chiến khiến các doanh nghiệp ngần ngại khi xuất khẩu vào thị trường này.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra của Việt những năm gần đây có sự dịch chuyển sang một số thị trường khác nhưng tỷ trọng nhập khẩu còn thấp. Hệ thống thông tin về ngành cá còn yếu, thiếu chính xác và cập nhật chưa kịp thời nên khó khăn trong việc dự báo cung cầu thị trường.
Chưa có tín hiệu lạc quan cho thị trường xuất khẩu cá tra.
Đánh giá của VASEP, dự báo trong năm nay, ngành cá tra có thể sẽ khó khăn hơn, sản lượng nguyên liệu sẽ giảm mạnh hơn năm 2013, ước đạt khoảng 800.000- 850.000 tấn, dự báo xuất khẩu sẽ chỉ ở mức 1,6 tỷ USD.
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, vấn đề hiện nay là các tỉnh, doanh nghiệp và người nuôi đang thiếu thông tin dự báo về sản lượng cá tra. Vì vậy, ông đề xuất trong thời gian tới, Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ có cơ chế để cung cấp thông tin cho người sản xuất và các địa phương, để có sự điều chỉnh cho hợp lý.
Trên cơ sở số liệu diện tích sản xuất đến cuối năm 2013 là 1.400ha và dự báo sản lượng hiện tại khoảng 350.000 tấn gối đầu từ năm 2013 chuyển sang năm 2014 thì khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm nay là khó do nguồn cung trong nước.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng thông tin thêm, khi làm việc với các địa phương thì hầu hết đều nêu là ổn định diện tích và sản lượng, không muốn tăng nguồn cung. Vấn đề quan tâm nâng chất lượng đã được tính đến. Do đó để tăng kim ngạch xuất khẩu dựa vào sản lượng là khó trừ khi nâng được giá xuất khẩu.
Theo đại diện Công ty TNHH De Heus, chi phí cho thức ăn rất cao, chiếm khoảng 79- 85% giá thành sản xuất, vì vậy doanh nghiệp đang đầu tư độ tiêu hóa của nguyên liệu làm sao để cá hấp thu hiệu quả nguồn thức ăn. Dự kiến cuối năm công ty tiến hành nghiên cứu độ tiêu hóa của nguyên liệu để áp dụng vào trong sản xuất.
Cho ăn cầm chừng để chờ giá
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, ước sản lượng cá tra năm 2013 đạt trên 101.000 tấn, giảm trên 10.500 tấn so với năm 2012. Tình hình nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn, diện tích treo ao tăng và tình trạng nuôi cá cho ăn cầm chừng để chờ giá khá phổ biến nên sản lượng thu hoạch thực tế đến cuối năm 2013 chỉ đạt khoảng 52.200 tấn (51,5% sản lượng dự kiến). Nguyên nhân do giá thấp nên người nuôi hạn chế cho cá ăn và thời gian thu hoạch kéo dài hơn so với dự kiến.
Kỳ 2: “Rào cản kỹ thuật- thách thức và cơ hội”